TTCP đề nghị kiểm soát việc tăng vốn thần tốc của các công ty bất động sản
Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi). Dự thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành. Trong đó đáng chú ý là góp ý của Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong lĩnh vực chào bán chứng khoán.
Theo ý kiến của TTCP về thực trạng tăng vốn nhanh của một số doanh nghiệp bất động sản, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy cơ chế kiểm soát, cả về phía Nhà nước lẫn nhà đầu tư, việc doanh nghiệp niêm yết tăng vốn nhanh đột biến với quy mô lớn, tăng vốn trước khi là công ty đại chúng, tăng vốn trong quá trình niêm yết, sử dụng vốn không vào mục đích kinh doanh chính mà chủ yếu là ủy thác đầu tư.. tiềm ẩn rủi ro rất lớn, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.
Do vậy, TTCP đề nghị cần có những tổng kết, đánh giá đầy đủ, sâu hơn về thực tiễn cũng như cần chỉ ra những bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật chứng khoán và pháp luật liên quan về quản lý, kiểm soát việc tăng vốn của doanh nghiệp trước và sau niêm yết, trên cơ sở đó đề xuất bổ sung quy định khi xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, Bộ sẽ tiếp thu, bổ sung đánh giá hạn chế về cơ chế kiểm soát vấn đề tăng vốn nhanh, sử dụng vốn không hiệu quả của một số doanh nghiệp thời gian qua tại điểm b, mục 2 phần III dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Chứng khoán.
![]() |
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đề cập đến việc ngăn chặn các cá nhân, tổ chức tìm cách lách luật với ý định thâu tóm để dành quyền chi phối công ty. Theo kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần làm rõ các thủ đoạn lách luật là những thủ đoạn nào. Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng sửa đổi.
Cũng theo TTCP, Báo cáo của Bộ Tài chính có đề cập đến những bất cập của Luật Chứng khoán hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và tính độc lập của tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên... nhưng trong các nhóm vấn đề kiến nghị sửa đổi Luật trong Tờ trình chưa có đánh giá và phương án khi xây dựng Luật mới. Theo tổng kết đánh giá của Bộ Tài chính và thực tiễn hoạt động thanh tra cho thấy, chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết, đang có rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh và những lỗ hổng chính sách về cơ chế kiểm soát của Bộ Tài chính đối với đối tượng này. Do vậy, TTCP cho rằng cần có tổng kết, đánh giá để quy định cụ thể khi xây dựng Luật Chứng khoán.