TT Trump cắt viện trợ cho Syria, “ném” trách nhiệm cho các nước Ả Rập
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng khoảng 230 triệu USD mà nước này định sử dụng để hỗ trợ Syria sẽ được dùng để “hỗ trợ những ưu tiên ngoại giao quan trọng khác”.
Tổng thống Trump gặp mặt Quốc vương Ả Rập Xê út Salman bin Abdulaziz al Saud tại Thủ đô Riyadh vào năm 2017. |
Trên trang Twitter của mình, ông Trump viết: “Ả Rập Xê út và các nước giàu có khác ở Trung Đông sẽ bắt đầu chi trả cho Syria thay vì Mỹ”.
Tuyên bố này của ông được đưa ra vài ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert phát biểu rằng “do có sự đóng góp quan trọng của tất cả các thành viên trong liên quân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cho phép Bộ có thể điều phối khoảng 230 triệu USD trong quỹ viện trợ cho Syria”.
Bà Heather Nauert nói thêm rằng khoản tiền này sẽ được bù đắp bởi hơn 300 triệu USD mà các nước trong liên quân do Mỹ đứng đầu sẽ đóng góp. Trong số các quốc gia này, Ả Rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là hai quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất khi mỗi nước góp lần lượt là 100 triệu và 50 triệu USD.
Bà Nauert cũng cam kết rằng Mỹ sẽ “tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ về sức khỏe, nhu cầu tối thiểu cho những người Syria đang gặp khó khăn, hỗ trợ tổ chức Mũ bảo hiểm Trắng và sẽ buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm cho những tội ác nghiêm trọng của họ, cũng như đối phó với những ảnh hưởng của vũ khí hóa học tại phía đông bắc Syria”.
Trước đó vào đầu năm nay, các hãng thông tấn đã đưa tin rằng chính quyền Trump có mong muốn thành lập một lực lượng quân đội Ả Rập nhằm thay thế cho quân đội Mỹ tham chiến tại Syria.
Đầu tháng 8 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã mô tả việc các thành viên của tổ chức Mũ bảo hiểm Trắng được sơ tán khỏi Syria là một “sai lầm lớn”. Bà nói rằng tổ chức này đã phối hợp với các nhóm khủng bố ở Syria để cản trở chiến dịch chống khủng bố đang diễn ra tại nước này.
Nga và Syria đã cáo buộc tổ chức Mũ bảo hiểm Trắng đã dàn dựng vụ tấn công hóa học tại thị trấn Douma (Syria), khiến cho một cuộc không kích quy mô lớn được thực hiện tại Syria bởi ba nước Mỹ, Anh và Pháp.
Cộng đồng quốc tế từ lâu đã bày tỏ quan ngại trước việc vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria kể từ khi khí sarin được sử dụng tại Damascus vào năm 2013. Sau vụ việc này, Syria đã cam kết tiêu hủy số vũ khí hóa học đang có, và vào ngày 04/01/2016, Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) đã đưa ra tuyên bố khẳng định rằng tiến trình này đã hoàn tất.