Truyền thông Ukraine và Nga "choảng nhau" vì miền Đông
"Những người dũng cảm" trên phương tiện truyền thông Nga
Truyền hình Nga đưa tin, chính phủ Ukraine lâm thời đã “tuồn lực lượng chiến đấu của họ trà trộn vào trong thường dân”, trong khi những tay súng ủng hộ Nga được biểu dương như là những “người dân địa phương dũng cảm" dám đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Truyền hình Nga đưa tin về những người lính Ukraine "đào tẩu" sang "bên kia chiến tuyến" nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine phủ nhận thông tin này |
Kênh Rossiya 1 TV (Russia 1), một kênh truyền hình nhà nước chính thống của Nga, đưa tin về “thái độ của người địa phương” đối với cuộc khủng hoảng. Bản tin cho thấy, khi Kiev gọi lực lượng dân quân tự vệ và những người biểu tình ở vùng đông nam Ukraine là “những kẻ khủng bố”, người dân địa phương đã phản đối một cách mạnh mẽ. Một số dân thường nhấn mạnh rằng họ không phải là những kẻ ly khai.
“Kiev đang đe dọa các cư dân vùng Donetsk bằng các cuộc tấn công tâm lý từ trên không. Theo chu kỳ, trực thăng quân sự và máy bay sẽ lượn vòng vòng trong thị trấn Sloviansk và Kramtorsk để thị uy và khiến người dân lo lắng”, bình luận viên trên Rossiya 1 TV nói.
Một kênh truyền hình lớn khác của Nga thì đưa tin về tình trạng tồi tệ của quân đội Ukraine. Bản tin mô tả lực lượng quân sự Ukraine như một tập thể yếu đuối, vô tổ chức, phải chống đỡ với những điều kiện vô cùng thiếu thốn và tinh thần chiến đấu thấp.
Trong một bản tin của NTV, hãng tin do Tập đoàn Khí đốt khổng lồ của Nga – Gazprom – điều hành, những người lính Ukraine đã trái lệnh cấp trên của họ và đứng về phe những người ủng hộ Nga.
“Rất nhiều quân nhân rõ ràng là đang bối rối và không hiểu được làm sao họ có thể chỉ súng vào chính đồng bào Ukraine của mình”, bình luận viên của NTV nói.
Truyền hình Nga cũng đưa nhiều hình ảnh về những người dân địa phương ở Donetsk và Luhansk đang chống đối lại binh lính Ukraine.
Trong một bản tin khác, họ đưa tin người dân đang tìm cách thuyết phục người điều khiển một chiếc xe tăng không bắn vào dân thường. Bạo động hơn, có bản tin cho thấy người dân Donetsk chặn và cướp một chiếc xe tải quân sự.
“Kẻ ly khai" ở Ukraine
Đối ngược lại, truyền hình Ukraine đưa tin theo hướng ủng hộ các nhà chức trách Kiev trong những nỗ lực nhằm “kiềm chế những kẻ ly khai và những chiến binh dưới trướng Nga”.
Truyền hình Ukraine nói rằng một “nhóm nhỏ” những người biểu tình bạo động đòi quyền độc lập hay sáp nhập vào Nga không phản ánh đầy đủ thái độ, tình cảm thật sự của người dân đang sống ở vùng phía đông Ukraine.
Báo chí ủng hộ Kiev: Tại sao Nga cần các cuộc nổi loạn ở phía đông Ukraine? |
Báo chí ủng hộ Kiev: Tại sao Nga cần các cuộc nổi loạn ở phía đông Ukraine? |
Một người biểu tình ủng hộ Ukraine gia nhập EU ở Lugansk, miền đông Ukraine |
“Hầu hết người dân muốn sống trong một đất nước Ukraine không chia rẽ và hoàn toàn thống nhất”, các bản tin của Kiev đã đưa.
Đồng thời, truyền hình Ukraine phát đi những ý kiến từ những thường dân trên đường phố Donetsk, Luhansk, Kharkiv…, nói họ muốn ở lại với Ukraine.
Một số người Ukraine còn yêu cầu Kiev phải có “hành động chống lại những kẻ ly khai”. Kênh UT1 TV của Ukraine đã thực hiện một bản tin truyền hình trực tiếp cuộc biểu tình của khoảng 10.000 người dân Ukraine ở Quảng trưởng Độc Lập, Kiev.
Tại đây, những người biểu tình đòi hỏi chính phủ Ukraine phải có hành động quyết liệt hơn để bảo về miền đông đất nước khỏi “bàn tay xâm lược” của Nga.
“Nặng lời” với nhau
Ngay lúc này, báo chí Ukraine đang tràn ngập những “suy đoán, phân tích, bình luận” về những “ý định của Nga” trong khi cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia đang ngày càng căng thẳng.
Đương nhiên, những lời lẽ mà giới nhà báo ủng hộ Kiev dành cho Nga gần như không có một chút thiện cảm tốt đẹp nào.
Báo chí Ukraine nặng lời với Nga |
Báo chí Ukraine đang suy diễn rằng mọi nỗ lực của Nga là nhằm “chia rẽ các vùng lãnh thổ Ukraine”. “Nga có thể sẽ đặt cược vào chiêu bài cuối cùng: tách tất cả các vùng nói tiếng Nga của Ukraine ra thành các vùng đất tự trị, vùng lãnh thổ chưa xác nhận tình trạng và rồi, tìm cách đưa nó về ‘dưới trướng bảo hộ’ của Nga”, Volodymyr gay gắt viết trên Segodnya, một tờ báo ủng hộ chính phủ mới của Ukraine.
Một tờ báo khác, tờ Den Daily, đã trích lời Đô đốc Hải quân Ukraine Ihor Kabanenko, nặng lời “phán xét” và chỉ trích Nga. Bài báo trên trang này cho rằng “tham vọng của Nga sẽ không dừng lại ở đó. Moscow muốn có cả nước Ukraine. Toàn bộ lãnh thổ và sử dụng mọi thứ Ukraine đang có”.
Đâu là sự thật?
Có một sự thật rằng, khi cuộc khủng hoảng càng nghiêm trọng, xung đột càng dâng cao thì truyền thông càng phân cực sâu sắc, độ xác thực và khách quan của thông tin càng bị tổn hại.
Không ai thật sự biết được điều gì đang thật sự diễn ra, ngoài những người đang có liên quan trực tiếp, hoặc ít nhất đang ở trong “tâm bão” và chứng kiến mọi góc cạnh của cuộc khủng hoảng này. Vì vậy, trong những ngày này, dư luận thế giới phải thật sự bình tĩnh, thận trọng và tỉnh táo trước bất cứ thông tin nào về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.