Truyền thông thế giới nói gì về “Hộ chiếu đường lưỡi bò”?
Ngày 22/11, Bộ Công an Trung Quốc đã bắt đầu phát hành loại hộ chiếu điện tử mới cho công dân nước này. Bên cạnh việc tích hợp một con chip điện tử lưu trữ thông tin cá nhân của chủ sở hữu, cuốn hộ chiếu này lập tức đã nhận phải những phản đối mạnh mẽ của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia… bởi tấm bản đồ in chìm trong các trang đã cố tình được phía Trung Quốc thêm vào “đường 9 đoạn” (thường được gọi là “đường lưỡi bò”) trong đó thể hiện việc “Trung Quốc có quyền tài phán đối với phần lớn diện tích Biển Đông”.
Mẫu hộ chiếu điện tử mới (ảnh trên bên phải) của Trung Quốc và các trang trong có in chìm bản đồ được "nối thêm" đường lưỡi bò sai trái (ảnh dưới) và các vùng đất thuộc lãnh thổ của Ấn Độ. |
Không chỉ cố tình thể hiện sự thâm độc và xảo trá đối với vấn đề Biển Đông, Trung Quốc còn khiến một quốc gia láng giềng khác là Ấn Độ tức giận khi tiếp tục đưa vào bản đồ của họ những vùng đất thuộc khu vực cao nguyên Hymalaya là Arunachal Pradesh và Aksai Chin mà Trung Quốc đã chiếm đóng từ sau cuộc chiến tranh biên giới 1962.
Trong bài báo có tiêu đề “Trung Quốc chọc giận láng giềng bằng hộ chiếu mới”, website của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) bình luận: “Dù mỗi khi phát hành một cuốn hộ chiếu mới, người ta thường phàn nàn về thiết kế của nó nhưng cuốn hộ chiếu mà Trung Quốc vừa phát hành hôm 22/11 vừa qua trở thành trường hợp đặc biệt khi vấp phải sự phản đối và chỉ trích chính thức bằng đường ngoại giao của một loạt các quốc gia láng giềng châu Á. Trong bản đồ của cuốn hộ chiếu này, Trung Quốc đã đưa vào cả những vùng lãnh thổ mà các quốc gia khác đang tuyên bố chủ quyền như Biển Đông ở ASEAN và vùng lãnh thổ của Ấn Độ bị Trung Quốc chiếm đóng cách đây vài thập kỷ”.
VOA cho biết, tiếp theo sau các công hàm phản đối chính thức của Việt Nam và Philippines, chính quyền Đài Loan cũng đã lên tiếng phủ nhận tính hợp pháp của hộ chiếu này còn các quan chức của Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh đã phản ứng theo một cách khác: Đóng dấu vào visa có in bản đồ thể hiện những vùng đất Arunachal Pradesh và Aksai Chin là thuộc chủ quyền Ấn Độ.
“Đây là hành động láu cá. Trung Quốc muốn gián tiếp buộc các quốc gia đang có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải công nhận ‘đường lưỡi bò’ của họ bằng cách đóng dấu vào quyển hộ chiếu đó”, VOA trích lời của chuyên gia John Blaxland thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của trường ĐH quốc gia Australia.
Tuy không đưa ra bình luận nào nhưng hãng tin Reuters đã trích dẫn phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario: “Philippines phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc cố tình đưa ‘đường 9 đoạn’ vào bản đồ in trên hộ chiếu điện tử mới của họ vì việc đó xâm phạm đến những vùng lãnh thổ và lãnh hải không thể chối cãi của Philippines”.
Trích lời phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị, Reuters viết: “Việt Nam đã gửi công hàm phản đối hộ chiếu mới của Trung Quốc và yêu cầu chính quyền nước này phải hủy bỏ những nội dung sai trái đã in trong mẫu hộ chiếu mới”.
"Việc làm của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông", Reuters trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị phát biểu hôm 22/11.
Đài truyền hình NDTV (New Delhi TV) đài truyền hình lớn nhất của Ấn Độ có trụ sở tại thủ đô New Delhi cho biết, chính phủ Ấn Độ đã không có phản đối chính thức nhưng tạm thời sẽ cấp mẫu visa có in bản đồ thể hiện các vùng đất Arunachal Pradesh và Aksai Chin là thuộc chủ quyền Ấn Độ.
“Chúng tôi làm việc này vì sự thực là như vậy”, tờ The Hindu dẫn lời một quan chức ngoại giao Ấn Độ. Đài NDTV còn cho biết thêm, để đáp lại hành động này của Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ sắp tới sẽ cho phát hành mẫu hộ chiếu mới có in bản đồ thể hiện đúng chủ quyền lãnh thổ của họ.
Tờ The Financial Time (Anh) bình luận bản đồ trên hộ chiếu này cho in đường lưỡi bò là ý đồ rõ ràng nhất của Trung Quốc từ xưa đến nay trong việc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Trong khi đó Đài truyền hình trung ương Đài Loan cho biết lãnh thổ này đã chính thức phản ứng Trung Quốc đưa hai địa danh là đầm Nhật Nguyệt và khu Thanh Thủy vào hộ chiếu. “Việc làm này của Trung Quốc đang gây tổn hại lòng tin giữa hai bên”, giới chức ngoại giao Đài Loan phát biểu.
Trang tin The Shanghaiist (Người Thượng Hải) có bài viết: “Hộ chiếu mới có in bản đồ kèm theo cả những vùng lãnh thổ đang có tranh chấp chỉ là một bước đi láu cá của Trung Quốc” đồng thời cho rằng “nó thể hiện sự đối nghịch đến kỳ quặc của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc ngu ngốc trong Bộ Công an Trung Quốc”. Bình luận về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “hộ chiếu mới của Trung Quốc phù hợp với quốc tế, các bản đồ trên hộ chiếu mới không nhắm vào bất cứ quốc gia nào”, The Shanghaiist cho rằng nếu đúng, Trung Quốc không chỉ xúc phạm một quốc gia riêng biệt nào mà đang xúc phạm cả khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ hay Nhật Bản.
“Trung Quốc biết khá rõ vấn đề này. Trong quá khứ họ thường đóng dấu vào những mẫu visa rời để tránh vấn đề trục trặc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ”, tờ The Washington Post viết.
“Việt Nam sẽ sử dụng những biện pháp phù hợp với luật pháp quốc gia, luật pháp quốc tế để “đối xử” với những mẫu hộ chiếu này”, hãng tin AP trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.
Hầu hết các tờ báo và trang tin lớn trên thế giới đều đã có bài viết về vụ “Hộ chiếu đường lưỡi bò” của Trung Quốc trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến lời phản đối của Bộ trưởng ngoại giao Philippines hay phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam qua người phát ngôn Lương Thanh Nghị.
Không chỉ gây “sóng gió” trên các trang báo quốc tế, mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc còn làm nóng các diễn đàn mạng. Rất nhiều công dân Trung Quốc thể hiện sự khó chịu với mẫu hộ chiếu này và cho rằng chính phủ đang làm khó cho họ trong việc di chuyển ở nước ngoài bởi rất nhiều nước coi hộ chiếu của họ là “không hợp lệ” đồng thời yêu cầu nộp thêm tiền để cấp mẫu visa khác đính kèm theo hộ chiếu đó.
“Với việc phát hành mẫu hộ chiếu này, Trung Quốc đang gián tiếp hỗ trợ cho chiến lược trở lại châu Á của Mỹ. Điều này lý giải vì sao hầu hết các quốc gia láng giềng của Trung Quốc ngày càng ghét và không tin vào Trung Quốc như xưa nữa”, một người dùng Internet có nickname “Hellheaven1987” viết trên diễn đàn mạng Twcenter.
“Là một công dân 18 tuổi của Trung Quốc tôi cảm thấy thực sự xấu hổ. Tại sao các quan chức của chúng ta lại làm một việc ngốc nghếch (foolish) đến thế. Việc (in bản đồ có đường lưỡi bò) này chẳng giúp được gì cho chúng ta mà chỉ làm vấn đề xấu đi. Tôi nghĩ người dân Trung Quốc không phải là những kẻ thích chiến tranh nhưng trong những năm gần đây tôi thấy chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng trở nên phổ biến. Tại những diễn đàn mạng ở Trung Quốc, người ta dễ dàng bắt gặp những khẩu hiệu mang đầy tính kích động như: Hãy hạ gục những kẻ Nhật Bản tiểu nhược! hay Phản đối những kẻ xâm lược phương Tây!”, nickname FlyingCat viết.