Truyền thông Mỹ nhận xét tàu sân bay của Nga là “đáng xấu hổ”
Các hãng truyền thông phương Tây nhận định rằng, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria không chỉ là nhằm củng cố sức mạnh cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, mà còn chứng minh sức mạnh quân sự mới phát triển trở lại của Nga, đồng thời quảng bá những loại khí tài mới của nước này cho các nước trên thế giới.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga, hiện đang có mặt ở ngoài khơi Syria. |
Nhìn chung, các loại vũ khí Nga đều thể hiện khả năng của mình. Máy bay Nga liên tục tiến hành các chiến dịch quân sự tại Syria, tàu chiến Nga đã phóng tên lửa hành trình từ Biển hồ Caspi và bắn trúng các mục tiêu của các nhóm khủng bố, và một xe tăng T-90 của Nga không hề hấn gì sau khi bị một tên lửa chống tăng của Mỹ bắn trúng.
Thế nhưng, hãng tin Bloomberg nói rằng Nga đã sai lầm khi triển khai tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến Syria. Nguyên nhân là bởi tàu được thiết kế để bảo vệ hải phận của Nga, và với chỉ 15 máy bay trên tàu, nó sẽ không đóng vai trò lớn trong các chiến dịch không kích của Nga.
Bloomberg cũng chỉ trích sự lạc hậu của tàu Kuznetsov: Tàu di chuyển chậm chạp, thường xuyên hỏng hóc và cần tàu kéo đi cùng. Tàu cũng không có hệ thống hỗ trợ cất cánh – hạ cánh mà các tàu sân bay Mỹ đang có và chỉ có dốc nghiêng ở mũi tàu để máy bay lấy độ cao.
Bloomberg nói thêm, kể từ khi được triển khai từ giữa thập niên 1980 tới nay, tàu chỉ được triển khai vài lần và chưa bao giờ hoạt động ra ngoài Địa Trung Hải. Năm 2012, tàu bị hỏng ở vịnh Biscay (Anh) và phải cần tàu kéo hàng ngàn km để về cảng Murmansk (Nga). Trước đó vào năm 2009 tàu bị rò dầu ở ngoài khơi Ireland và gặp hỏa hoạn ở gần Thổ Nhĩ Kỳ, khiến một thủy thủ thiệt mạng.
Mới đây, một máy bay Su-33 khi trở lại tàu Đô đốc Kuznetsov sau khi làm nhiệm vụ ở Syria đã đâm xuống biển sau khi không thể móc vào dây kéo trên tàu, khiến máy bay không thể hạ cánh đúng vị trí. Tháng trước, một phi cơ MiG-29 cũng gặp phải sự cố tương tự. Phi công của cả hai máy bay đều đã thoát ra ngoài an toàn.
Giá trị của tàu cũng không còn được đánh giá cao như trước do đã có tuổi, và Bloomberg cũng nói rằng khi Nga bán tàu sân bay cho nước ngoài, rất nhiều vấn đề đã nảy sinh. Trung Quốc đã mua thân tàu Varyag của Nga vào cuối thập niên 1990, và tàu được sửa chữa và nâng cấp trong nhiều năm để trở thành tàu Liêu Ninh như ta đã biết ngày nay. Thế nhưng con tàu này cho đến nay vẫn chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện.
Trong khi đó, tàu Đô đốc Gorshkov đã được bán cho Ấn Độ với giá 2,35 tỉ USD vào năm 2004 và được lấy tên Vikramaditya, nhưng phải mãi đến năm 2013 tàu mới được hạ thủy do gặp vấn đề đối với các động cơ hơi nước. Tàu hiện đang có nhiệm vụ tuần tra Ấn Độ Dương.
Nga tiếp tục trình làng những loại vũ khí rất lợi hại của mình tại Syria, cụ thể là hệ thống tên lửa phòng không S-400 tại căn cứ Tartus. Chính việc cho ra mắt nhiều loại vũ khí mới đã mang về không ít lợi nhuận cho Nga. Nhưng bỏ qua những loại khí tài quân sự mới của Nga, Bloomberg tiếp tục nhằm vào tàu sân bay đã cũ và cho rằng nó “sẽ đáng tiền nhiều hơn khi trở thành sắt vụn, thay vì làm công cụ thể hiện sức mạnh quân sự của Nga vào thời điểm hiện tại”.