Trung Quốc yêu cầu Australian từ bỏ ‘tư tưởng chiến tranh lạnh’
Trung Quốc đưa ra điều kiện nếu Australian không từ bỏ “tư tưởng chiến tranh lạnh”, Bắc Kinh sẽ không nối lại các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng với Canberra.
Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc – Australia vẫn chưa được giải quyết. (Ảnh minh họa) |
Chính phủ Australia được cảnh báo rằng, các Bộ trưởng ở Bắc Kinh sẽ không trả lời điện đàm từ phía những người đồng cấp Canberra, nếu như chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison không từ bỏ “tư tưởng chiến tranh lạnh” và dừng coi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược.
Chia sẻ với Guardian, một quan chức đại sứ quán Trung Quốc đã hối thúc Canberra đưa ra quyết định coi Bắc Kinh là “mối đe dọa” hay là “cơ hội” để thiết lập tiền đề chính cho việc nối lại các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng hai nước. Trong khi, những sự kiện này đã bị hủy bỏ từ đầu năm nay.
Cũng theo vị quan chức Trung Quốc, chính phủ Australia là bên phải chịu trách nhiệm cho việc tái thiết các mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, sau khi Canberra “làm suy yếu mối quan hệ song phương”. Ngoài ra, Australia cũng cần tạo ra bầu không khí thân mật hơn để nối lại các cuộc đối thoại với Trung Quốc.
“Vấn đề ở đây là hoàn toàn nằm ở phía Australia. Chúng tôi cho rằng, tư thưởng chiến tranh lạnh cần phải xóa bỏ để nhìn nhận Trung Quốc là một cơ hội chứ không phải là mối đe dọa”, quan chức giấu tên của đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.
Về phần mình, Thủ tướng Scott Morrison và các Bộ trưởng trong chính phủ Australia đã nhiều lần nhắc tới trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc đưa ra phản ứng trước các “cuộc đối thoại mang tính chín chắn và hợp lý”.
Phát biểu tại Hội đồng Kinh doanh Australia, Thủ tướng Morrison cho hay mặc dù chính phủ của ông hiện sẵn sàng duy trì các mối quan hệ cốt lõi, nhưng “không sẵn lòng tổ chức một cuộc họp với điều kiện Australia phải thỏa hiệp và đánh đổi giá trị hay chủ quyền để lấy thương mại”.
Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham cũng đã lên tiếng phàn nàn về việc thiếu hoạt động liên lạc suốt nhiều tháng qua giữa Australia và Trung Quốc. Theo đó, phía Australia không thể nói chuyện với những người đồng cấp để thảo luận về những biện pháp kinh tế đang gây ra thiệt hại hàng tỉ USD cho hoạt động xuất khẩu của Australia.
Dù Thủ tướng Morrison thừa nhận trong tuần này rằng, việc các mối quan hệ với Trung Quốc trở nên xấu đi đã trở thành “một vấn đề vô cùng khó khăn”, song Australia cũng không ngừng tăng cường thắt chặt quan hệ với các đồng minh trong khu vực để đối phó với Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm tới Tokyo vào tuần này, Australia và Nhật Bản đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng quy mô lớn. Song trong cuộc gặp này, Thủ tướng Morrison cho hay cả Australia và Nhật Bản đều không coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Nhưng trong tuyên bố chung được Thủ tướng Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đưa ra vẫn nhấn mạnh sự chỉ trích đối với những hành động mang tính “quan ngại lớn” từ phía Trung Quốc trên Biển Đông và các vấn đề liên quan tới Hong Kong.
Dù các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng bị hoãn, song Trung Quốc và Australia vẫn duy trì liên lạc cấp quan chức. Theo đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Canberra vẫn thường xuyên đàm phán với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Còn phía các nhà ngoại giao Australia ở Bắc Kinh vẫn nói chuyện với Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia bùng phát trong những năm gần đây bắt nguồn từ việc Australia ngăn chặn hoạt động của Tập đoàn Viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei vào năm 2018. Trong năm nay, căng thẳng càng đẩy lên cao do Trung Quốc đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Australia, sau khi Canberra yêu cầu tiến hành điều tra về đại dịch Covid-19.
Minh Thu (lược dịch)