Trung Quốc và Nga: "Bạn làm ăn" chứ không phải bạn bè (1)
Bình luận về vấn đề này, Ông A. A. Kramchikhin, Phó giám đốc Viện nghiên cứu chính trị và quân sự Nga cho biết: "Điều này tạo ra ấn tượng rằng không chỉ các nhà báo, mà ngay cả nhiều chính trị gia và các nhà khoa học thỉnh thoảng cũng bị mất một phần trí nhớ, hoặc thậm chí là bộ nhớ của họ thường xuyên bị 'xóa trắng'".
Sự hợp tác không đơn giản
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC Thượng Hải hôm 10/11/2014. |
Ông A.A.Kramchikhin là Phó giám đốc Viện nghiên cứu chính trị và quân sự Nga. Đây là một viện nghiên cứu độc lập ở Nga, thường thực hiện nhiều phân tích khách quan cho chính phủ.
Bài viết phân tích về quan hệ Nga, Trung mà Infonet dịch lại này được đăng tải trên tờ Pravda (Sự thật).
Tác giả của bài viết này trong một thời gian dài đã tham gia nghiên cứu về Trung Quốc cũng như mối quan hệ của họ với Nga.
Đối với ông Kramchikhin, sự phấn khích trong các cuộc tranh cãi về sự xoay trục hướng Đông của Nga và quan hệ Moscow - Bắc Kinh là không thể nói hết.
Nó xuất hiện một cách đều đặn gần như sau mỗi cuộc gặp thượng đỉnh Nga -Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này luôn sẵn sàng phụ họa, không ngừng lặp đi lặp lại quan điểm "đối tác chiến lược" và "quan hệ tốt chưa từng có" giữa Moscow và Bắc Kinh.
"Các 'vở diễn' này chính là để dành cho các khán giả trong nước, và thậm chí để dành cho khán giả nước ngoài, đặc biệt là ở phương Tây. Những khán giả này lần nào cũng bị cuốn hút hoàn toàn vào vở kịch, và chính ở đây chúng ta thấy sức mạnh của hội chứng 'xóa trắng bộ nhớ', ông Kramchikhin bình luận.
Điều tương tự cũng xảy ra khi hai bên cùng tổ chức các cuộc tập trận song phương hoặc đa phương. Dễ dàng có thể nhận thấy rằng cuộc tập trận song phương "Sứ mệnh hòa bình" lớn nhất diễn ra vào năm 2005, và cuộc tập trận đa phương trong khuôn khổ SCO (Sáng kiến hợp tác Thượng Hải) lớn nhất diễn ra vào năm 2007. Sau đó quy mô của các cuộc tập trận giảm dần và chúng mang tính hình thức nhiều hơn. Một trường hợp ngoại lệ là cuộc tập trận "Sứ mệnh Hòa bình - 2014", nhưng quy mô cũng không vượt quá năm 2007.
Tương tự như vậy với cuộc tập trận hải quân song phương"Tương tác Biển", mỗi năm số tàu tham gia ít hơn năm trước nhưng lại được tuyên truyền như là ngày càng có quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hội chứng "xóa trắng bộ nhớ" nên không một ai chỉ ra được sự thực này.
Một điều cần lưu ý rằng, mỗi khi nước Nga "cãi nhau" với phương Tây thì lại quay về phía Đông. Cụ thể, năm 1999, Nga đã gần như cắt đứt quan hệ với Phương Tây khi NATO tiến hành can thiệp vào Nam Tư.
Tại thời điểm này, mối quan hệ Nga - Trung cũng không đi chệch khỏi kịch bản truyền thống nói trên. Kể cả bản hợp đồng khủng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc cũng không phải là một bước đột phá trong quan hệ đó. Nga và Trung Quốc đang thực hiện một sự mua bán ở dạng nguyên thủy nhất của nó, chứ đó không phải là một hình thức hợp tác sâu sắc hơn. Dĩ nhiên phần lớn các giao dịch thương mại đó có lợi hơn nhiều cho Trung Quốc, đôi khi còn có cảm giác là Nga đang bị cướp trắng trợn. Cho đến nay, Moscow chưa dám mạo hiểm vượt qua "ranh giới đỏ" trong mối quan hệ này.
Trong bối cảnh hiện tại, có nhiều khả năng Nga sẽ bước qua ranh giới đó vì mâu thuẫn của Nga với Phương Tây đang lên đến đỉnh điểm. Nga bắt đầu nghiêm túc hơn về việc cho phép Trung Quốc thâm nhập vào lãnh thổ và nền kinh tế của mình trên một quy mô lớn hơn nhiều so với hiện tại.
"Lượng sẽ nhanh chóng biến thành chất. Thật không may, ở Nga có một sự hiểu lầm rất cơ bản rằng các mối quan hệ với Trung Quốc có thể và nên được xem xét trong bối cảnh mối quan hệ với Phương Tây. Trong thực tế điều đó là dứt khoát không thể chấp nhận được... Trung Quốc phải được xem xét trong một bối cảnh riêng - là bối cảnh của chính nó", ông Kramchikhin nhận định.
Bạn bè hay đối thủ
Nước Nga hậu Xô Viết và Trung Quốc không phải là đồng minh và cũng chưa từng là đồng minh. Đó còn là quan điểm chính thức của lãnh đạo Trung Quốc. "Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga không phải là một liên minh quân sự và không để chống lại nước thứ ba", trích dẫn một tuyên bố của Bắc Kinh cho biết. Và nó cũng phản ánh chính thực tế hiện tại. Việc Nga và Trung Quốc thường bỏ phiếu giống nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là sự trùng hợp về quan điểm chứ không phải là phản ánh quan hệ đồng minh.
Trên một số vấn đề cơ bản thì quan điểm của Moscow và Bắc Kinh đôi khi còn hoàn toàn trái ngược. Ví dụ nổi bật nhất là cuộc chiến năm 2008 ở vùng Caucasus. Bắc Kinh không những không công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia mà còn ủng hộ Georgia trong một sự che đậy sơ sài.
Bắc Kinh tích cực hơn nhiều so với Washington trong việc "đẩy" Nga ra khỏi không gian Liên xô cũ. Nga đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc trong Sáng kiến Thượng hải (SCO), nhưng có lẽ là đã quá muộn. Cấu trúc này không biến thành nhóm "chống NATO" như mong muốn của Moscow mà đã thành một công cụ rất hữu hiệu của Trung Quốc trong cuộc xâm lược về kinh tế của họ ở Trung Á. Các dự án năng lượng và giao thông vận tải của Bắc Kinh ở tại tất cả năm nước trong khu vực sẽ dẫn đến việc Nga mất gần như hoàn toàn ảnh hưởng tại đây.
Bắc Kinh luôn bày tỏ sự bất bình với tất cả các dự án hội nhập của Nga trong không gian hậu Xô Viết. Chỉ có các nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc là kiềm chế không bình luận về vấn đề này, còn lại tất cả các quan chức ở cấp thấp hơn cũng như các nhà khoa học và các chuyên gia đều nói công khai rằng sự phát triển của Liên minh Kinh tế Á - Âu, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, và hơn nữa, Liên minh Hải quan với triển vọng trở thành Liên minh Á - Âu, là trái với lợi ích của Trung Quốc.
Mối quan tâm đặc biệt ở đây rõ ràng là vấn đề Ukraine. Tất cả người Nga đều tin rằng Bắc kinh luôn ủng hộ Moscow trong vấn đề này. Điều này, nói một cách nhẹ nhàng nhất, là không chắc chắn.
Vấn đề Ukraine
Công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện đã quá lạc hậu so với sự phát triển của Trung Quốc. |
Ở cấp chính thức, Bắc Kinh không đứng về bên nào mà ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Hầu hết các nước trên thế giới, bao gồm cả các đồng minh thân cận của Nga trong không gian hậu Xô Viết cũng hành động tương tự. Chống Nga mạnh nhất là các nước phương Tây, còn lại tất cả mọi nước khác đều giữ im lặng.
Cũng cần phải nhớ rằng Bắc Kinh có một sự hợp tác sâu rộng với Kiev. Đầu tiên là trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Trung Quốc đã hút từ Ukraine tất cả các công nghệ quân sự của Liên Xô cũ mà Ukraine sở hữu với giá thấp hơn nhiều so với mua từ Nga.
Thứ hai, hợp tác về nông nghiệp cũng là một lĩnh vực rất quan trọng.
Cuối cùng là trong những năm gần đây Trung quốc đã bắt đầu tính đến Ukraine trong các kế hoạch giao thông vận tải toàn cầu của mình.
Cuộc khủng hoảng hiện tại giáng một đòn rất mạnh vào dự án cảng nước sâu ở phía tây của Crimea. Điều này gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ dự án "Con đường tơ lụa mới” của Trung quốc và khả năng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. "Con đường tơ lụa mới" hiện đang là một trong những dự án địa chính trị quan trọng nhất của Bắc Kinh có tính chất chống Nga công khai. Nó nhằm mục đích cuối cùng là "giết chết không thương tiếc" các dự án Xuyên Siberia và Đường biển phía Bắc của Nga mà theo kế hoạch sẽ là các con đường vận chuyển xuyên Á - Âu.
Trong dự án "Con đường tơ lụa mới" có tính đến việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Trung Á với khổ đường châu Âu. Cảng nước sâu Evpatoria gần Yalta được xem như là một nút quan trọng trên"Con đường tơ lụa". Để tiếp tục dự án xây dựng cảng này, Trung Quốc buộc phải công nhận Crimea thuộc Nga. Đây có lẽ là một điều rất khó khăn với họ.
Một điều không may nữa là dự án thuê 3 triệu héc-ta đất nông nghiệp Ukraine, một phần trong đó thuộc Crimea, ít nhất là sẽ bị hoãn lại vô thời hạn. Sự tồn tại của dự án này bị Kiev (dưới thời Yanukovych) hoàn toàn phủ nhận, nhưng ở Bắc Kinh người ta hoàn toàn không cần che đậy nó.
Một đặc điểm độc đáo của dự án này là người thuê từ phía Trung Quốc không phải ai khác mà chính là Công ty công nghiệp xây dựng Tân Cương. Công ty này là một phần đặc biệt của Quân đội Trung Quốc. Công ty này đã thuê được 5% lãnh thổ Ukraine theo các điều khoản đặc quyền sử dụng đất cùng với khả năng tăng thêm diện tích trong tương lai.
Kể cả sự thay đổi quyền lực ở Kiev cũng không phá hủy mối quan hệ Ukraine - Trung Quốc. Ngày 15/5/2014, Quốc hội Ukraine với 257 phiếu thuận đã phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc.
Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Ukraine và Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay có thể coi như đang bị gián đoạn. Điều này trước hết là do tình hình nội bộ Ukraine, và thực tế là mối quan tâm của Trung Quốc đối với nó không còn nữa. Họ đã nhận được từ Ukraine gần như tất cả mọi công nghệ thời Liên Xô mà họ muốn. Ngoài ra nền khoa học và các tổ hợp công nghiệp quân sự Ukraine hiện nay không còn khả năng để đưa ra các công nghệ mới hấp dẫn với Trung Quốc nữa.
Trái lại, sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Cả hai bên hiện đang đề xuất tăng kim ngạch thương mại lên 1 tỷ USD (năm 2013 đạt 700 triệu USD).
Điều rất thú vị ở đây là Bộ trưởng Schweika (thuộc là đảng cực hữu "Tự do") cho rằng sự phát triển quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp đỡ Ukraine thoát khỏi sự phụ thuộc vào Liên bang Nga. Phía Trung Quốc rõ ràng không phản đối gì về quan điểm này.
Một số chuyên gia Nga tin rằng cuối cùng thì Ukraine sẽ "về tay" Trung Quốc vì cả Nga cũng như phương Tây không có đủ nguồn lực để giải cứu nền kinh tế Ukraine. Chỉ có Trung Quốc mới có tiền, và đổi lại họ sẽ nhận được sự kiểm soát nền kinh tế Ukraine, và từ đó xuất hiện sự chi phối trong quan hệ chính trị. Liên quan đến sự hợp tác kỹ thuật - quân sự thì dần dà theo thời gian nó có thể sẽ tiếp tục theo "hướng ngược lại" - dưới hình thức cung cấp vũ khí Trung Quốc cho Ukraine (có thể thông qua trung gian chứ không phải trực tiếp).
Tranh chấp lãnh thổ
Một cổng biên giới Nga - Trung Quốc ở Nội Mông nhìn sang Nga. Ảnh: Wikipedia. |
Chính vì vậy trong không gian Liên Xô cũ, Trung Quốc không phải là một đồng minh của Nga. Nếu nói nhẹ hơn thì ít nhất họ là một đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, mối quan hệ Nga - Trung còn có những khía cạnh nghiêm trọng và khó chịu hơn nhiều.
Biên giới chung giữa Nga và Trung Quốc kéo dài 4.300 km. Khu vực tranh chấp chủ yếu ở đảo Zhenbao (Nga gọi là Damansky) trên sông Usuri và một số đảo khác trên sông sông Amur và Argun. Trung Quốc những vùng đất này nhưng bị rơi vào tay Nga bởi những hiệp ước thiếu công bằng do nhà Thanh và Sa hoàng ký vào thế kỷ 19.
Hai nước từng đụng độ biên giới trong vòng 7 tháng vào năm 1969. Sau đó cùng năm, Trung Quốc chiến tranh tiếp với Tajikistan vì tranh chấp núi Pamir (giáp Tân Cương), khiến cho quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô rạn nứt. Đến năm 2005, tranh chấp biên giới Nga – Trung tạm ổn định sau khi Nga lần lượt ký các thỏa thuận nhượng lại các khu vực trên cho Trung Quốc.
Nhưng thế vẫn chưa hết, tờ Pravda cảnh báo về nguy cơ mất vùng Viễn Đông của Nga khi người Trung Quốc tràn qua đây quá đông.
Moscow nói rằng sự chuyển giao các đảo ở trên sông Amur gần Khabarovsk vào năm 2004 cuối cùng đã đóng lại các vấn đề về biên giới với Trung Quốc. Thật không may rằng điều này là hoàn toàn vô căn cứ. Trung Quốc dường như là quốc gia duy nhất trên trái đất có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với tất cả các nước láng giềng.
Những yêu sách này được Trung Quốc chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để làm cho chúng có vẻ như có một cơ sở khoa học vững chắc, và cùng với việc tuyên truyền họ đã nâng những yêu sách này lên thành sự sùng bái mù quáng trong dân chúng. Tại các thời điểm khác nhau cường độ của từng đòi hỏi với từng nước láng giềng tăng hoặc giảm tùy thuộc vào điều kiện chính trị và kinh tế, nhưng những đòi hỏi này chưa bao giờ bị hủy bỏ.
Những yêu sách và tranh chấp lớn nhất chính là đối với Nga. Các luận điểm cho rằng biên giới Nga-Trung Quốc hiện nay được thiết lập trên các "Hiệp ước không công bằng và bất bình đẳng" được coi như là sự thật không thể chối cãi được ở Trung Quốc. Sự "đầu hàng nhỏ" của Nga năm 2004 chẳng có chút ảnh hưởng gì đến những luận điểm này.
Bắc Kinh đang bị thử thách bởi những vấn đề nội bộ rất phức tạp như mật độ dân số quá cao, thiếu tài nguyên và đất canh tác, môi trường bị ô nhiễm, nạn thất nghiệp, dân số già, "thiếu cô dâu" (tỉ lệ nam - nữ không cân bằng). Tất cả buộc thành một cái nút cực kỳ khó cởi.
Tình hình phức tạp đến mức giải quyết một vấn đề sẽ làm trầm trọng hơn một hoặc nhiều vấn đề khác. Tăng trưởng kinh tế chóng mặt ở Trung Quốc đã giải quyết một số ít rắc rối, nhưng lại sinh ra nhiều mâu thuẫn khác. Gỡ nút thắt cho các vấn đề bùng nổ dân số trong nước chỉ có thể bằng cách bành trướng lãnh thổ ra bên ngoài, và nó là một thực tế khách quan.
(Còn tiếp)