Trung Quốc và cuộc “xâm chiếm” đất nông nghiệp toàn cầu
Theo tờ The Vancouver Sun (Canada), các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng có 2 vấn đề nổi cộm. Một là Trung Quốc chiếm tới 20% dân số nhưng chỉ chiếm 9% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới. Và hai là, bản thân diện tích đất nhỏ bé so với dân số 1,3 tỷ người đó cũng xấu đi từng ngày.
Mỗi năm, Trung Quốc mất gần 1 triệu hecta đất nông nghiệp để phục vụ cho phát triển đô thị. Từ năm 1996 tới năm 2006, 9 triệu hecta đất nông nghiệp của Trung Quốc đã bị các thành phố lớn của nước này “nuốt chửng”.
Nông nghiệp trong nước của Trung Quốc ngày càng không đủ khả năng cung cấp lương thực cho dân số khổng lồ của nước này. |
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã coi an ninh lương thực cho người dân nước này là một trong những nhiệm vụ tối cao, đặc biệt là sau khi gần 45 triệu người dân nước này chết đói vào cuối những năm 1950.
Trong 3 thập kỷ qua, Trung Quốc chịu sức ép lớn phải cải thiện năng suất trong nông nghiệp và diện tích đất bạc màu. Ngoài ra, việc hợp nhất đất nông nghiệp do các hộ gia đình nhỏ lẻ sở hữu thành các khu trang trại lớn đã giúp đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp thay vì sử dụng sức lực của người nông dân.
Từ nay đến năm 2020, dự kiến sản lượng nông nghiệp trong nước của Trung Quốc sẽ tăng 26%. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, đặc biệt là khi chế độ ăn uống của người Trung Quốc đang thay đổi khi nước này trở nên giàu có hơn.
Người Trung Quốc không còn hài lòng với thành phần bữa ăn chỉ gồm gạo và rau. Họ muốn ăn thịt và những đồ ăn mà trước đây họ chưa bao giờ sử dụng như các sản phẩm từ sữa và những sản phẩm này đòi hỏi phải có đầu tư và diện tích đất đai lớn hơn.
Vì vậy các công ty nông nghiệp Nhà nước và tư nhân Trung Quốc đang hướng ra những nước có đất đai nông nghiệp màu mỡ để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của hàng triệu người dân nước này.
Trung Quốc đã trở thành một trong những khách hàng mua đất nông nghiệp lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm nước này chi hàng tỷ USD để chiếm giữ hàng triệu hecta đất ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, Trung Á, châu Phi, Úc và New Zealand.
Trung Quốc đang "vơ vét" đất nông nghiệp ở khắp nơi trên thế giới. |
Tại nhiều nước, sự xuất hiện của các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc, ví dụ như tập đoàn nông nghiệp Beidahuang được chào đón với sự nghi ngại cũng như việc các công ty Trung Quốc mua lại các khu khai thác tài nguyên khoáng sản và năng lượng.
Tuần trước, dư luận Úc đã nổi giận sau khi có tin tập đoàn Beidahuang định chiếm giữ 100.000 hecta đất ở bang Tây Úc để trồng ngũ cốc và xuất khẩu trực tiếp về Trung Quốc.
Tháng trước, Beidahuang và các chi nhánh của tập đoàn này đã mua trên 60.000 hecta đất của Úc trong đó có cảng Albany. Tập đoàn này được cho là đã tích lũy được khoảng 4 tỷ USD để dành cho việc thâu tóm đất nông nghiệp ở nước ngoài.
Đầu tháng 12, Beidahuang tuyên bố kế hoạch trị giá 1,5 tỷ USD để phát triển trang trại và mở rộng một cảng biển ở miền nam Argentina. Tỉnh Rio Negro ở vùng thảo nguyên khô cằn Patagonia của Argentina sẽ cho Beidahuang thuê 300.000 hecta đất gần như chưa sử dụng trong vòng 20 năm.
Công ty này có kế hoạch sản xuất rượu vang, trồng ngô, đậu tương và rau xanh để xuất khẩu trực tiếp về Trung Quốc từ cảng San Antonio.
Cũng giống như ở Úc, dư luận Argentina nghi ngại về những lợi ích và hậu quả lâu dài của các kế hoạch chiếm hữu đất đai này của Trung Quốc. Cùng với các quốc gia châu Mỹ La tinh khác, Argentina đang lên kế hoạch ban hành luật hạn chế người nước ngoài sở hữu đất đai.
Tại Trung Á, các công ty nông nghiệp của Trung Quốc cũng nhận được sự chào đón lạnh nhạt.
Năm ngoái, dư luận Kazakhstan phản ứng giận dữ sau khi có báo cáo cho biết Tổng thống nước này đã kí kết một thỏa thuận cho người Trung Quốc thuê 1 triệu hecta đất trong 99 năm. Sau đó Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này đã buộc phải cam kết trước người dân rằng: “Trung Quốc sẽ không chiếm được dù là 1 cm đất Kazakhstan, dù là dưới hình thức sở hữu hay thuê dài hạn”.
Cũng vào hồi đầu năm ngoái, dư luận ở Tajikistan đã phản ứng dữ dội khi nhận được thông báo rằng quốc hội nước này đã nhượng cho Trung Quốc 110.000 hecta đất, chiếm khoảng 1% tổng diện tích đất nông nghiệp của nước này.
Nhưng chính quyền Tajikistan vẫn giữ nguyên kế hoạch này và sau đó còn thông báo cho một công ty Trung Quốc thuê thêm 2.000 hecta đất nữa để 1.500 nông dân Trung Quốc đến trồng lúa và bông.