Trung Quốc tuyên bố mạnh tay đáp trả sau “đòn áp thuế” của TT Trump
Tuyên bố của Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài tiếng sau khi ông Trump tuyên bố áp dụng mức thuế 10% (đến cuối năm sẽ tăng lên 25%) đối với số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị lên đến 200 tỉ USD, đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế thêm đối với 267 tỉ USD hàng hóa nữa nếu Trung Quốc đáp trả.
Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đáp trả quyết định đánh thuế của Mỹ. |
“Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trên thị trường thương mại tự do, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả tương xứng”, tuyên bố ngắn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
“Hoa Kỳ vẫn nhất quyết gia tăng đánh thuế, mang lại sự bất ổn cho những hoạt động đàm phán thương mại song phương. Trung Quốc hi vọng Hoa Kỳ nhận thấy được những hậu quả của hành động của mình và thực hiện những bước đi cần thiết để sửa đổi mình một cách kịp thời”, tuyên bố nói thêm.
Ông Trump đã cảnh báo rằng nếu Trung Quốc có những hành động phản ứng với động thái đánh thuế của Mỹ, chính quyền của ông “sẽ ngay lập tức thực thi giai đoạn ba, tức là đánh thuế vào khoảng 267 tỉ USD hàng nhập khẩu”.
Tháng trước, Trung Quốc công bố một danh sách các mặt hàng của Mỹ bị đánh thuế có tổng giá trị 60 tỉ USD, từ khí hóa lỏng tự nhiên cho đến một số loại máy bay, nếu Washington đánh thuế vào 200 tỉ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Một nguồn tin ở Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc đang xem xét lại kế hoạch cử đoàn đại biểu tới Washington để đàm phán thương mại sau quyết định của Mỹ. Dự kiến mức thuế mới sẽ được Mỹ chính thức áp dụng vào ngày 24/9.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã đánh thuế vào 50 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc để buộc nước này có những sự thay đổi lớn đối với chính sách thương mại, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ ngành công nghiệp công nghệ cao. Trung Quốc đã đáp trả tương xứng với những hành động của Mỹ.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói rằng Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Trung Quốc, song không đưa ra được thời gian cụ thể.
“Đây không phải là động thái nhằm cưỡng ép Trung Quốc mà nó là một nỗ lực để gửi thông điệp tới Bắc Kinh, rằng đã đến lúc họ phải xem lại những hoạt động không công bằng của mình mà chúng tôi và các nước khác cũng đã nhận thấy và đang làm hại đến hệ thống thương mại quốc tế”, vị quan chức này nói.