Trung Quốc: Truyền thông phương Tây ngu ngốc và mù quáng
Trung Quốc: Truyền thông phương Tây ngu ngốc và mù quáng
Nữ vận động viên bơi lội Ye Shiwen của Trung Quốc đã có tốc độ bơi khiến dư luận kinh ngạc. |
Các quan chức thể thao Trung Quốc, cha của Ye Shiwen và bản thân nữ vận động viên 16 tuổi này đều phủ nhận sử dụng các loại thuốc cấm sau khi cô phá kỷ lục thế giới tại nội dung bơi 400m hỗn hợp hôm thứ Bảy tuần trước.
Vào 50m cuối của nội dung bơi 400m, Shiwen đã bơi nhanh hơn cả Ryan Lochte, vận động viên giành huy chương vàng của nam. Truyền thông Anh dẫn lời huấn luyện viên đội Mỹ, John Leonard rằng bài thi đấu của Ye “không thể tin nổi” và “đem lại cảm giác khó chịu”.
Hôm qua, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc đã lên tiếng phản bác các phỏng đoán quanh chiến thắng của Ye và cho rằng điều đó là không công bằng. “Phương Tây vẫn nhìn nhận Trung Quốc với tư tưởng cũ kỹ và ghen tị với các tiến bộ mà Trung Quốc đạt được”, bãi xã luận của tờ Hoàn Cầu nói.
Còn tờ Nhân dân nhật báo thì cho rằng những nghi ngờ đối với hai chiếc huy chương của Ye ở Luân Đôn cho thấy phương Tây ngày càng có “miệng lưỡi xấu xa” với những thành tích và sự lớn mạnh của Trung Quốc.
“Đây không phải lần đầu tiên truyền thông phương Tây lên tiếng nghi ngờ thiếu cơ sở đối với các bài thi đấu xuất sắc của các vận động viên Trung Quốc. Thành kiến sâu đậm đã khiến họ trở nên ngu ngốc đến mù quáng”, Nhân dân Nhật báo giận dữ bình luận.
“Những lời bàn ra tán vào của một số ít người sẽ không thể hủy hoại được hình ảnh của Trung Quốc hay cản trở Trung Quốc tiến lên. Hành động bôi nhọ thanh danh của các vận động viên Trung Quốc và công kích các bài thi đấu xuất sắc của các ngôi sao thể thao trẻ Trung Quốc tại Olympic Luân Đôn thực sự là sự tính toán sai lầm”, tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói thêm.
Một số người ủng hộ Ye cho rằng những ai nghi ngờ thành tích của cô là những kẻ phân biệt chủng tộc và cho rằng Ye không phải là một vận động viên không có tên tuổi mà đã nổi tiếng trong làng bơi lội trong nhiều năm.
“Ye Shiwen đã luyện tập bơi lội không ngừng nghỉ kể từ khi cô ấy mới 6 hay 7 tuổi. Bài thi đấu xuất sắc của cô ấy không có gì là đáng ngạc nhiên cả”, Nhân dân nhật báo lập luận.
Cha của Ye, Ye Qingsong, phát biểu trước truyền thông Trung Quốc rằng truyền thông phương Tây “lúc nào cũng ngạo mạn”. Các nhà tổ chức Thế vận hội ở Luân Đôn cũng lên tiếng bảo vệ nữ vận động viên Trung Quốc này. Hôm qua, vận động viên Alicia Coutts của Úc, người về thứ 2 sau Ye, đã lên tiếng bảo vệ Ye.
“Tôi cảm thấy tội nghiệp cho cô ấy khi có quá nhiều nghi ngờ đè nặng lên cô ấy như vậy. Khi chưa có bằng chứng của sự gian lận thì tôi vẫn tin là cô ấy vô tội”, Coutts nói.
Trong nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh đã thu hút sự ủng hộ của người dân trong nước khi có được các vận động viên đạt huy chương vàng tại Olympics sau khi các vận động viên này được đào tạo trong một hệ thống kiểu Liên Xô (cũ) do Nhà nước tài trợ.
Những thành tích đạt được thường được dùng để khích lệ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và xoa dịu những tiếng nói chỉ trích đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tại Olympics Bắc Kinh cách đây 4 năm, Trung Quốc đã đạt nhiều huy chương vàng nhất với 51 huy chương. Tại Luân Đôn năm nay, Trung Quốc đang dẫn đầu với 13 huy chương vàng, tiếp theo là Mỹ với 9 huy chương vàng. Cả hai đều đang có 23 huy chương các loại.
Đối với nhiều người Trung Quốc, huy chương vàng là sự thể hiện sức mạnh quốc gia, và các vận động viên đạt huy chương vàng được đối đãi hậu hĩnh hơn rất nhiều các vận động viên giành huy chương bạc và đồng.
Đôi khi, thậm chí một chiếc huy chương bạc còn đem đến nỗi đau buồn cho người giành được nó, như trường hợp của vận động viên cử tạ Wu Jingbiao.
‘Tôi đã làm đất nước tôi thất vọng, tôi đã làm đội cử tạ Trung Quốc thất vọng, tôi đã khiến những ai quan tâm đến tôi thất vọng, tôi rất xin lỗi”, vận động viên Wu vừa nói vừa khóc sau khi bị vận động viên Triều Tiên vượt qua trong nội dung cử tạ nam hạng cân 56kg và giành huy chương bạc.
Một trường hợp khác là vận động viên tiềm năng của nội dung cử tạ nữ hạng cân 53kg, Zhou Jun. Chị đã bị báo giới chỉ trích sau khi bị loại mà không giành được thành tích nào. Một tờ báo Trung Quốc thậm chí còn gọi đó “là thất bại đáng hổ thẹn nhất” trong lịch sử cử tạ Trung Quốc.
Lê Dung