Trung Quốc, Triều Tiên nằm trong số 15 quốc gia "kìm kẹp" nhất thế giới
Tờ Business Insider dẫn báo cáo của Freedom House nhấn mạnh trong số 195 quốc gia được khảo sát, 26% được đánh giá là "không có tự do". Trong đó, Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực "kìm kẹp" nhất khi mà nền tự do ở mức thấp nhất trên thế giới.
Belarus
Tổng thống Belarus Alyaksandr Lukashenka đứng đầu một chính quyền chuyên chế và ngăn cản hoạt động của mọi đảng phái đối lập. Theo Freedom House, các chính trị gia đối lập tại Belarus thường bị chính phủ nước này ngăn không cho tới nơi làm việc. Kết quả, họ không thể giành được chiếc ghế nào trong Hội đồng quốc gia Belarus.
Ngay cả, đài truyền hình quốc gia Belarus cũng bị chính phủ kiểm soát và những quan điểm chống đối sẽ không được đăng tải. Mặc dù, ngày càng nhiều người dân Belarus được tiếp cận với Internet song chính phủ nước này vẫn đang cố gắng kiểm soát càng nhiều trang web càng tốt. Thậm chí, các trang mạng xã hội còn thường xuyên bị chặn. Hoạt động trên mạng của các chính trị gia đối lập cũng bị quấy rối và đe dọa.
Somalia
Mặc dù, quốc hội Somali hiện thời được cộng đồng quốc tế giám sát chặt chẽ nhưng người dân nước này lại dường như không có tiếng nói trong hệ thống quản lý.
Chính phủ mới tại Somali lên nắm quyền điều hành vào tháng 12/2014 đã thực hiện chính sách kiểm soát sát sao hoạt động của giới truyền thông. Thậm chí, phần lớn bé gái Somali vẫn phải thực hiện hủ tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục.
Trong khi đó, sự trỗi dậy của các nhóm phiến quân như tổ chức al Shabaab và việc chính phủ Somali không thể dẹp loạn đã khiến quyền công dân và chính trị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cộng hòa Guinea Xích đạo
Đảng phái chính trị đối lập ở Cộng hòa Guinea Xích Đạo là điều bị giới hạn và bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ, theo Freedom House. Thậm chí, đảng cầm quyền còn kiểm soát hoàn toàn hoạt động của giới truyền thông, tòa án, cảnh sát và quân đội. Trong khi, nạn tham nhũng tràn lan khắp bộ máy chính quyền.
Chính phủ Guinea còn cho ra đời luật kiểm duyệt báo chí vào năm 1992. Theo đó, trang xã hội Facebook bị chặn, những lời chỉ trích chính phủ bị coi là phạm tội. Giới cầm quyền Guinea còn thường xuyên bắt giữ những chính trị gia đối lập với cáo buộc "gây bất ổn".
Nam Sudan
Nam Sudan giành được độc lập từ Cộng hòa Sudan vào năm 2011. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền chính trị và tàn sát giữa các nhóm dân tộc đang đẩy quốc gia này vào bất ổn nghiêm trọng.
Ngay cả Tổng thống Nam Sudan, ông Salva Kiir cũng tự giành quyền để lên lãnh đạo đất nước. Vào năm 2013, Tổng thống Kiir đã cho giải tán toàn bộ nội các và cắt chức phó tổng thống nước này. Các đảng phái đối lập có rất ít tiếng nói trong chính quyền. Trong khi đó, lực lượng an ninh thì thường xuyên có những hành động lạm quyền chống lại người dân.
Cộng hòa Chad
Theo Freedom House, Cộng hòa Chad chưa bao giờ tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Bởi Tổng thống Idriss Déby, một cựu chỉ huy quân đội, đã tiến hành đảo chính để lật đổ nhà tài phiệt Hissène Habré vào năm 1990 để lên nắm quyền.
Kể từ ngày nhậm chức, Tổng thống Déby đã nắm toàn quyền kiểm soát hệ thống pháp luật quốc gia. Thậm chí, nhóm dân tộc Zaghawa của ông Déby giành gần hết số ghế trong hệ thống chính trị và kinh tế của Chad. Hành động này đã gây ra làn sóng oán giận của hơn 200 nhóm dân tộc sinh sống tại Chad.
Đáng nói là Chad hiện là nguồn gốc, nơi trung chuyển và điểm đến của hoạt động buôn bán trẻ em. Song, chính phủ nước này lại dường như không quan tâm tới vấn nạn này.
Cộng hòa Trung Phi
Cuộc đảo chính do phe nổi dậy Séléka tiến hành hồi tháng 3/2013 đã đẩy Cộng hòa Trung Phi vốn nghèo đói lại càng bất ổn và bị cộng đồng quốc tế cô lập. Trong khi, sự kiểm soát của chính quyền hiện thời là không minh bạch và không thông qua bầu cử.
Sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng của các nhóm vũ trang trên lãnh thổ Cộng hòa Trung Phi cũng đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng của quốc gia này. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 6.000 trẻ em đang tham gia chiến đấu trong các nhóm nổi dậy tại Cộng hòa Trung Phi.
Sudan
Lần đầu tiên trong vòng 24 năm, Sudan tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng vào năm 2010 nhưng lại không đáp ứng đủ tiêu chuẩn tự do và công bằng theo quy định của quốc tế.
Thậm chí, Sudan hiện được đánh giá là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Trong khi, một số nhóm dân tộc nhận được sự ưu đãi của chính phủ, giành quyền kiểm soát nền kinh tế quốc gia thì những nhóm còn lại thường phải sống trong cảnh thiếu thốn.
Chính phủ Sudan còn cho thành lập một Hội đồng Báo chí chuyên điều phối hoạt động của ngành truyền thông đồng thời ban bố bộ luật cấm thảo luận về các tín ngưỡng khác ngoài đạo Hồi.
Uzbekistan
Chính phủ Uzbekistan đã thi hành chính sách đàn áp tất cả các đảng phái chính trị đối lập. Ngoài ra, các nhà hoạt động xã hội và báo chí tại quốc gia này thường xuyên phải đối mặt với bạo lực thể xác, khởi tố, phạt hành chính và bắt giam. Quốc gia này cũng chưa từng tổ chức các cuộc bầu cử tự do.
Quyền tự do ngôn luận tại Uzbekistan cũng bị giới hạn sát sao. Điển hình, giới họa sĩ cần phải xin được giấy phép đặc biệt của chính phủ mới có thể trưng bày các tác phẩm của mình trước công chúng.
Lao động khổ sai cũng là vấn đề nghiêm trọng tại Uzbekistan. Theo Mỹ, trong năm 2014, "Uzbekistan vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới mà chính phủ buộc người dân phải tham gia lao động khổ sai thông qua chính sách quốc gia".
Turkmenistan
Turkmenistan chưa từng tổ chức một cuộc bầu cử tự do đúng nghĩa kể từ khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1991.
Tổng thống Berdymukhammedov nắm quyền điều hành chính phủ Turkmenistan, nơi mà nhiều quan chức đã dùng tiền để mua chức danh. Thậm chí, sung công tài sản cá nhân còn là hiện tượng phổ biến tại quốc gia này.
Chính phủ Turkmenistan kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động của giới truyền thông và báo in. Ngay cả nhà cung cấp dịch vụ Internet chính tại quốc gia này cũng do chính phủ điều hành và thường xuyên chặn những website mang nội dung phản đối chính quyền.
Cuba
Theo Freedom House, chính phủ Cuba vẫn thi hành chính sách bắt giữ "mang tính ngăn chặn" trong một thời gian ngắn để kiềm chế hoạt động của các chính trị gia đối lập.
Ngay cả kênh truyền thông của Cuba cũng do chính phủ điều hành và quản lý. Ngoài ra, chỉ số ít người dân Cuba có khả năng tiếp cận với Internet do chi phí đắt đỏ. Bởi một giờ dùng máy tính tại quán cà phê có giá tương đương mức lương trung bình một tuần.
Ả Rập Xê-út
Các thành viên trong hoàng tộc Ả Rập nắm phần lớn cổ phần trong lĩnh vực truyền thông tại nhiều quốc gia và kiểm soát phần lớn hoạt động truyền thông trong nước. Do dó, các nhà báo và nhà hoạt động xã hội sẽ bị bắt giam nếu đăng những bài báo mang tư tưởng đối lập với chính phủ lên mạng.
Toàn bộ người dân Ả Rập đều phải tuân thủ luật pháp quy định trong đạo Hồi và hoạt động cộng đồng của các tín ngưỡng khác thường bị cấm. Ngoài ra, phụ nữ Ả Rập không được phép lái xe ô tô hoặc rời khỏi nhà mà không có một người đàn ông trong gia đình đi theo.
Syria
Cuộc nội chiến tại Syria đã khiến hơn 2 triệu người dân nước này phải đi tị nạn ra nước ngoài, 5 triệu người di chuyển tới các vùng miền khác để tránh chiến sự và gần 130.000 người thương vong, theo Freedom House.
Hàng chục ngàn người cũng đã bị bắt giữ và tra tấn kể từ khi làn sóng lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trỗi dậy vào năm 2011. Trong khi đó, các nhà báo Syria thường xuyên bị bắt cóc và tử hình.
Eritrea
Quốc gia nhỏ bé ở đông Phi được mô tả là nơi "không có tự do" trong vòng 16 năm liên tiếp, theo Freedom House.
Eritrea là quốc gia chỉ có duy nhất một đảng phái chính trị do Tổng thống Isaias Afwerki điều hành suốt một thời gian dài. Quốc gia này cũng chưa bao giờ có một cuộc bầu cử dân chủ.
Chính quyền của Tổng thống Afwerki đã thắt chặt kiểm soát mọi nguồn tin trong nước kể từ năm 2000. Theo đó, các hãng truyền thông tư nhân hoàn toàn bị cấm hoạt động tại Eritrea và chính phủ lâm thời kiểm soát toàn bộ nguồn thông tin đăng tải. Ngay cả quyền tự do tôn giáo và học tập cũng bị giới hạn. Thậm chí, người dân Eritrea còn bị giới hạn quyền tự do đi lại trong và ngoài nước.
Trung Quốc
Trong năm 2013, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phát động chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" nhằm đưa các quan chức và lãnh đạo kinh tế tham nhũng ở cả trong nước và nước ngoài ra xét xử.
Tuy nhiên, tình trạng các tổ chức xã hội dân sự, lãnh đạo giới lao động và các học giả bị quan chức Trung Quốc bắt giữ và điều tra vẫn thường xuyên diễn ra.
Ngoài ra, đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không chấp nhận việc hình thành bất cứ đảng phái đối lập. Theo đó, hơn 190 nhà hoạt động cải cách chính trị đã bị bắt giữ trong riêng năm 2014.
Triều Tiên
Theo Freedom House, Triều Tiên được đánh giá là quốc gia ít tự do nhất trên thế giới. Khi mà tình trạng tham nhũng và nhận hối lộ diễn ra ở mọi cấp chính quyền và lãnh đạo kinh tế tại Triều Tiên.
Trong khi đó, hoạt động kết nối Internet chỉ phục vụ cho vài trăm quan chức cấp cao. Quyền tự do học tập cũng không tồn tại ở quốc gia cô lập bởi mọi chương trình học tập đều phải thông quan sự kiểm duyệt của chính phủ.
Tất cả những hình thức biểu tình và bàn tán tập thể bị coi là trái pháp luật. Những người bất đồng chính kiến hoặc sẽ bị tử hình hoặc bị đưa vào trại cải tạo, nơi mà nhiều người đã mất mạng vì bị bỏ đói và kiệt sức.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…