Trung Quốc thử tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân để "dọa" Tổng thống Trump?
Hôm 1/2, tờ Free Beacon dẫn lời hai quan chức quốc phòng giấu tên cho hay tên lửa Dongfeng-5C (Đông Phong-5C) của Trung Quốc có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân, đã được phóng từ trung tâm vũ trụ Taiyuan ở tỉnh Sơn Tây. Trong vụ thử này, tên lửa Dongfeng-5C đã bay tới một sa mạc ở phía tây Trung Quốc. Dongfeng-5C là phiên bản mới của dòng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5, vốn được quân đội Trung Quốc sử dụng lần đầu tiên từ đầu thập niên 80.
Tuy nhiên, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng vụ thử tên lửa này không liên quan tới sự kiện Mỹ có nhà lãnh đạo mới. Bắc Kinh cũng không muốn nhắn gửi thông điệp gì tới ông Trump.
![]() |
Hình ảnh tên lửa của Trung Quốc trong một biểu lễ diễu binh. |
"Thử nghiệm tên lửa hạt nhân cần sự cho phép của cấp cao nhất là Quân ủy trung ương. Do đó, thời gian từ lúc nhận được giấy phép cho tới khâu chuẩn bị phóng tên lửa phải mất ít nhất là một năm. Đây không phải là một quyết định 'tùy tiện' chỉ vì ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng", vị quan chức giấu tên nói.
Cũng theo người này, mặc dù trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn không có kế hoạch tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hạt nhân.
Theo Mỹ, trong 40 năm qua, Trung Quốc đang sở hữu khoảng 250 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, trước thông tin, Trung Quốc cho thử nghiệm tên lửa Dongfeng-5C mang theo 10 đầu đạn hạt nhân, khả năng quy mô kho hạt nhân của Bắc Kinh còn lớn hơn rất nhiều. Giới tình báo Mỹ cho biết vào tháng 2/2016, Trung Quốc bắt đầu tăng thêm số lượng đầu đạn hạt nhân trên các phiên bản cũ của tên lửa DF-5.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nước này đang nắm trong tay 4.000 đầu đạn hạt nhân. Trước đó, giới chức quốc phòng Mỹ cũng đưa ra lời cảnh báo rằng việc Trung Quốc phát triển nhanh chóng các loại tên lửa đạn đạo tầm xa, có thể gây ra tình trạng bất ổn an ninh trong khu vực.
Chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump đã có những dấu hiệu cảnh báo về việc áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc từ lĩnh vực kinh tế cho tới chương trình quân sự hóa ở Biển Đông.
Mới đây, nhiều trang web tại Trung Quốc đã cho đăng tải một số hình ảnh được cho là triển khai tên lửa Dongfeng-41 tới tỉnh Hắc Long Giang, sát biên giới Nga. Tên lửa Dongfeng-41 có tầm bắn 14.000 km và có khả năng mang theo từ 10 – 12 đầu đạn hạt nhân, được xem là một trong những loại vũ khí "khủng" nhất của quân đội Trung Quốc.
Hồi tuần trước, tờ Thời báo Hoàn Cầu còn cho rằng việc triển khai DF-41 là "công cụ phòng thủ chiến lược" và Bắc Kinh "sẵn sàng gia tăng áp lực với chính quyền mới của Mỹ".
Trong khi đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đặt chân tới Seoul hôm 1/2. Ông Mattis trở thành Bộ trưởng đầu tiên trong Nội các của ông Trump thực hiện chuyến công du ra nước ngoài. Nhiều nguồn tin nhận định trong chuyến thăm lần này, ông Mattis sẽ tiếp tục khẳng định những lời cam kết của Mỹ với các đồng minh chiến lược Hàn Quốc và Nhật Bản trong bối cảnh mối quan ngại về những căng thẳng với Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên không ngừng gia tăng.