Trung Quốc: Thời kì thất nghiệp đen tối nhất chỉ mới bắt đầu?
Ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã bắt đầu giảm, tình hình có vẻ đã bước vào giai đoạn tươi sáng hơn và những ảnh hưởng của khủng khoảng kinh tế đã bắt đầu mờ dần.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, dường như thời kỳ đen tối của thị trường lao động, ảnh hưởng lớn nhất đến thế hệ trẻ chỉ mới bắt đầu.
Trong số gần 7 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp từ các trường đại học Trung Quốc trong mùa hè này, chỉ có 27% sinh viên tốt nghiệp ở Bắc Kinh và 30% sinh viên tốt nghiệp ở Thượng Hải sẽ có việc làm, một con số thấp kỷ lục.
Sinh viên mới tốt nghiệp trong lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hợp Phì tỉnh An Huy, Trung Quốc hôm 20/6/2012. |
Số sinh viên thất nghiệp còn lại sẽ làm ‘lấp đầy’ thêm ‘bể’ thanh niên có bằng cấp bị thất nghiệp vốn đã nhiều tại Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học đã tăng gấp 6 lần, trong khi đó theo hãng tin nhà nước China Youth Daily, số lượng việc làm cho họ không thể đáp ứng kịp và đã giảm 15% kể từ năm 2012.
Trong thực tế, những người học đại học lại bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong số những người trong độ tuổi 20, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất lại nằm trong số những người có bằng đại học (hơn 16%), cao hơn gấp 4 lần so với những người chỉ học đến tiểu học. Và khi nền kinh tế của Trung Quốc phát triển chậm lại, các công ty đa quốc gia như HSBC và Motorola đã bắt đầu giảm lực lượng lao động tại Trung Quốc, khiến cho tình trạng thiếu việc làm càng trầm trọng hơn.
Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã gọi năm nay là "năm khó khăn nhất trong lịch sử để tìm được một công việc", thậm chí tồi tệ hơn so với năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở đỉnh điểm.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã thể hiện sự lo ngại về vấn đề này, và đang cố gắng tung ra các biện pháp tạo việc làm nhằm giúp đỡ những thanh niên trẻ đang bị thất nghiệp. Nằm trong gói cải cách kinh tế, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa tiêu chuẩn tạo việc làm trở thành thước đo quan trọng trong việc đánh giá các quan chức địa phương. Tháng này, chính phủ cam kết sẽ tạo ra 9 triệu việc làm tại các đô thị.
Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng đã bày tỏ sự cấp bách về tình trạng thất nghiệp. Đầu tháng này, ông đã có chuyến thăm bất ngờ tới một hội chợ việc làm sinh viên ở thành phố miền bắc Thiên Tân.
Tân Hoa Xã trích dẫn lời của ông Tập Cận Bình cho biết: "Việc làm là kế sinh nhai của người dân. Nếu không có tăng trưởng kinh tế, sẽ không thể giải quyết được vấn đề việc làm”.
Ngay cả với những người đã có việc thì cuộc sống của họ cũng không hề dễ dàng. Một cái chết của một thanh niên gần đây đã kêu gọi sự chú ý đến hoàn cảnh làm việc của thanh niên tại các công ty.
Tháng trước, Li Yuan, một nhân viên 24 tuổi của công ty quảng cáo Ogilvy & Mather ở Bắc Kinh đã bị chết vì một cơn đau tim tại văn phòng sau khi liên tục làm ngoài giờ.
Cũng theo hãng tin China Youth Daily, gần 600.000 người chết mỗi năm vì kiệt sức khi làm việc. Và nghiên cứu năm 2012 của công ty tư vấn Regus phát hiện ra rằng ba phần tư lao động Trung Quốc cho biết họ ngày càng bị căng thẳng, khiến Trung Quốc trở thành nước có mức độ căng thẳng trầm trọng nhất trên thế giới.
Kết quả là, một số thanh niên nói rằng họ muốn rời khỏi Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh hơn so với các nước phát triển phương Tây.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 20 năm qua thực sự đã khiến nhiều quốc gia phải mơ ước, nhưng mức độ hạnh phúc của người dân lại không tương xứng với điều đó. Theo một cuộc khảo sát của Richard Easterlin, Đại học Nam California, tỷ lệ hài lòng của người dân Trung Quốc không cao hơn so với đầu những năm 1990, khi mà nền kinh tế Trung Quốc còn khác xa so với bây giờ.
Wan Li, một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh cho biết: “Do môi trường làm việc có nhiều cạnh tranh và nhịp sống ngày càng nhanh, cư dân thành phố của Trung Quốc vẫn tiếp tục làm việc quá sức cho đến khi cuộc sống của họ bị đe dọa”.