Trung Quốc thay một loạt tướng lĩnh cấp cao
Trung Quốc sắp thay thế 7 trong số 10 tướng lĩnh cấp cao của quân đội nước này. |
Theo tờ Telegraph (Anh), trong số những động thái cải tổ đầu tiên được tuyên bố ngày hôm qua, Quân đội Trung Quốc đã chỉ định một tư lệnh không quân mới và lãnh đạo Tổng cục chính trị mới, cơ quan chịu trách nhiệm về đạo đức quân đội, những thay đổi về nhân sự và lòng trung thành của quân đội đối với Đảng Cộng sản.
Trong tuần qua, các nhà phân tích chính trị và quân sự ở Bắc Kinh đã đua nhau phỏng đoán về căn nguyên của những thay đổi sẽ chỉ đạo đường hướng hoạt động của các lực lượng vũ trang Trung Quốc với quân số 2,3 triệu trong 5 năm tới.
Các nhà quan sát nhận thấy Tướng Zhang Yang, một quan chức quân đội 61 tuổi lãnh đạo lực lựong quân đội ở khu vực Quảng Châu, đã được chụp hình tại một nhà hát ở Bắc Kinh khi ông này đứng gần một diễn viên đóng vai Karl Marx.
Từ sự việc trên các nhà quan sát suy đoán rằng có khả năng ông Zhang sẽ là lãnh đạo của Tổng cục chính trị và sự tuyên đoán của họ dường như là đúng.
Tướng Zhang được thăng chức được đánh đổi bằng “chiếc ghế” của 2 vị tướng được cho là có liên quan tới nhà chính trị gia vừa “ngã ngựa” Bạc Hy Lai, Tướng Liu Yuan và Tướng Zhang Haiyang.
Trong khi đó, lãnh đạo mới của lực lượng không quân sẽ là Tướng Ma Xiaotian, 63 tuổi. Đây cũng là vị tướng đôi lúc đưa ra các nhận xét về sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ tại châu Á.
Vào năm 2010, ông này đã buộc tội Mỹ tìm cách khôi phục lại “tinh thần chiến tranh lạnh” và hồi đầu năm nay ông Ma cảnh báo rằng Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tham gia tranh chấp chủ quyền với một loạt quốc gia, “không phải là việc của Mỹ”.
Cả ông Ma và ông Zhang sẽ là thành phân của Quân ủy trung ương (CMC) bao gồm 10 tướng quân đội và 2 chính trị gia.
Một trong các thành viên hiện nay của Quân ủy trung ương Trung Quốc là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và ông được phỏng đoán sẽ cố gắng giữ được vị trí này sau khi chuyển giao quyền lực cho Phó chủ tịch kiêm phó chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình.
Còn lại toàn bộ 7 vị tướng trong 10 vị tướng của Quân ủy trung ương sẽ được thay thế do đã đến tuổi nghỉ hưu.
“Đây là thay đổi quan trọng nhất sắp diễn ra: gần như toàn bộ các thành viên (Quân ủy trung ương) sẽ nghỉ hưu và thay thế bằng những người mới”, giáo sư Taylor Fravel của Học viện Công nghệ Massachusetts, nhận xét.
Tướng Ma Xiaotian sẽ là một trong 7 gương mặt mới của Quân ủy trung ương Trung Quốc. |
Rất nhiều tướng cũ là người trung thành với ông Giang Trạch Dân, cựu chủ tịch Trung Quốc và vẫn là người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản và những thay đối sắp tới có lẽ phản ánh sự dịch chuyển phe phái trong nội bộ đảng.
“Ông Hồ Cẩm Đào sẽ tìm cách giữ lại nhóm quan chức mà ông ta nghĩ sẽ củng cố những di sản của ông ta. Trong khi đó ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách đưa những người trung thành với mình và thuộc mạng lưới của mình vào các vị trí dẫn đầu, nhưng ông ta sẽ phải thương lượng với ông Hồ Cẩm Đào”, Larry Wortzel, phó chủ tịch Hội đồng kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, nhận xét.
Ông Wortzel cho rằng cuộc ganh đua giữa các phe phái, và việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cần phải đảm bảo rằng vẫn có các tướng để “trông chừng sau lưng ông” sau khi ông rời bỏ vị trí chủ tịch “sẽ chi phối chính trường”.
Không giống như ông Hồ Cẩm Đào ông, Tập Cận Bình có cha là người từng chiến đấu trong thời kỳ cách mạng và bản thân ông đã từng phục vụ cho Quân đội giải phóng nhân dân, là trợ lý cho ông Geng Biao, người giữ chức Bộ trưởng quốc phòng năm 1981.
Tuy nhiên theo ông Fravel, vào thời điểm đó ông Tập còn “khá trẻ” và “có thể còn đang giữ cấp bậc thấp” nhưng “Tất cả những gì bạn có thể nói là ông ấy có nhiều kinh nghiệm hơn ông Hồ Cẩm Đào”.
Ông Fravel cho rằng ông Hồ “bị buộc phải chuyển giao thêm quyền lực cho Quân đội giải phóng nhân dân” do dư luận nhìn nhận chung là ông quá mềm yếu và có tư tưởng phản đối chiến tranh. Tuy nhiên, trong những vụ việc gần đây như Biển Đông và Nhật Bản, Quân đội giải phóng nhân dân tỏ ra thận trọng và không can dự trực tiếp.
“Giới lãnh đạo cấp cao của Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) hiểu rằng cần phải có thêm thời gian để hoàn thành công cuộc hiện đại hóa PLA và việc đó có thể sẽ kéo dài thêm vài thập kỷ nữa”, Dennis Blasko cựu tùy viên quân sự Mỹ tại Bắc Kinh, nhận xét.
“Vì thế tôi cho rằng giới lãnh đạo PLA đang tỏ ra thận trọng hơn nhận định chung của dư luận ngoài Trung Quốc”, ông nói thêm.