Trung Quốc: Số người chết vì cúm H7N9 đã lên hàng chục
Gia cầm bán sẵn tại khu chợ thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc |
Giới chức y tế Trung Quốc thông báo ca nhiễm cúm H7N9 đầu tiên được chữa khỏi và xuất viện hôm 10/4 là một cậu bé 4 tuổi sinh sống tại thành phố Thượng Hải. Song tới ngày 11/4, Thượng Hải tiếp tục ghi nhận ca tử vong thứ 10 là một cụ ông 74 tuổi do nhiễm virus H7N9. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc xác nhận thêm 5 khu chợ dọc khu vực phía đông phát hiện virus H7N9 trong các mẫu xét nghiệm từ gà và vịt.
Kể từ lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố phát hiện các ca nhiễm H7N9 trên người, tính tới ngày 11/4, toàn lãnh thổ Trung Quốc đã có 38 người nhiễm bệnh. Mặc dù, chính quyền Trung Quốc chưa phát hiện phương thức virus lây lan song khả năng nguồn lây bệnh sang người đến từ gia cầm. Các chuyên gia lo ngại khả năng virus H7N9 đột biến thành dạng dễ truyền bệnh cho con người, từ đó làm đại dịch bùng phát trên diện rộng.
Ngay đầu tuần này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận chưa có bằng chứng chứng minh virus H7N9 có khả năng lây từ người sang người.
Trong khi đó, hôm 11/4, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết virus H7N9 “nguy hiểm” với con người nhưng lại khó phát hiện trên gia cầm bởi những triệu chứng có thể quan sát bằng mắt thường không thể hiện khi gia cầm nhiễm virus. Đồng nghĩa với việc quá trình tìm hiểu nguồn lây bệnh sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Hôm 10/4, Viện Khoa học Trung Quốc thông báo khả năng virus H7N9 bắt nguồn từ các đàn chim di cư từ khu vực Đông Á kết hợp với gia cầm nội địa sinh sống tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử - nơi đang bùng phát dịch bệnh.
Thành phố Nam Kinh đã thi hành lệnh cấm người dân chăn nuôi gia cầm và gia súc tại nhà, đồng thời yêu cầu giết toàn bộ số động vật đang sở hữu và nếu vi phạm sẽ phạt 50 Nhân dân tệ (8 USD).
Trước đó, chính quyền thành phố Thượng Hải đã ra lệnh cấm dài hạn về việc người dân nuôi gia cầm và thỏ để giết thịt, cũng như cung cấp số điện thoại đường dây nóng báo cáo chính quyền trong trường hợp phát hiện hàng xóm vi phạm quy định.
Hồi tuần trước, Thượng Hải đã cho dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh buôn bán gia cầm sống và đóng cửa các khu chợ nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Sau đó, thành phố Nam Kinh và nhiều khu vực khác tại Trung Quốc cũng đã thi hành biện pháp tương tự. Chính quyền Thượng Hải đã đưa ra mức bồi thường thiệt hại cho ngành công nghiệp gia cầm trong đó chi trả từ 2 – 3 Nhân dân tệ (0,32 – 0,48 USD) cho mỗi con gà bị giết được nuôi tại những trang trại nhỏ lẻ.
Trung Quốc từng đối mặt với các cáo buộc liên quan tới việc giấu diếm thông tin về dịch SARS bùng phát hồi năm 2003, vốn cướp đi sinh mạng của 800 người trên toàn cầu.
Ngoài ra, Hồng Kông cũng đang triển khai xét nghiệm nhanh virus H7N9 trên đàn gia cầm sống được nhập từ Trung Quốc.