Trung Quốc sẽ quyết không “nhường” châu Á cho Mỹ?
Vừa qua, có ý kiến cho rằng chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc không nên gọi là “kiềm chế” mà phải gọi là “làm đối trọng”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California, Mỹ hồi tháng 6/2013. |
Những câu hỏi then chốt ở đây khá đơn giản: mục đích của chính sách hiện nay của Mỹ về Trung Quốc là gì? Chi phí của chính sách đó là bao nhiêu? Chính sách đó có thể thành công không? Nếu thất bại thì sao? Và những phương án khác là gì?
Ngày nay, mục tiêu chính của Mỹ là duy trì vị thế cường quốc chiến lược hàng đầu ở châu Á. Mục tiêu này ít khi được nghiên cứu kĩ hay thậm chí là chẳng mấy khi được nói đến. Lí do là dư luận mặc định rằng Mỹ có vai trò chiến lược hàng đầu ở châu Á và rằng việc duy trì vị thế đó của Mỹ tạo cơ sở cho một tương lai ổn định và an toàn cho châu lục này, giống như những gì đã diễn ra từ trước tới nay. Và dư luận mặc định rằng ai cũng muốn châu Á hòa bình đồng thời tất cả đều nhất trí rằng con đường duy nhất để đạt mục tiêu đó là duy trì vị thế thống trị của Mỹ ở đây.
Điều đó đúng với thời điểm trước đây. Kể từ năm 1972, vị thế thống trị của Mỹ ở châu Á vẫn chưa bị thách thức và chi phí duy trì vị thế đó tương đối thấp. Còn trong tương lai, Mỹ có thể duy trì vị thế thống trị của mình ở châu Á hay không, và chi phí là bao nhiêu, sẽ tùy thuộc vào việc vị thế đó có bị nước nào thách thức hay không. Hầu hết người dân Mỹ và các quốc gia đồng minh, đối tác của Mỹ tin rằng nước này sẽ giữ vị trí đó. Họ cho rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận vị thế này của Mỹ và coi đây là nền tảng của trật tự châu Á trong tương lai, giống như những gì diễn ra từ năm 1972 cho tới nay.
Nhưng có vẻ điều đó không còn đúng nữa. Hiện nay, mọi bằng chứng đều cho thấy Trung Quốc sẽ không còn chấp nhận vị thế thống trị của Mỹ ở châu Á. Nước này muốn sửa lại trật tự châu Á để được giữ một vị thế lớn hơn bây giờ rất nhiều. Đó chắc chắn là dụng ý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông nói tới “một mô hình mới trong quan hệ giữa các nước lớn” trong chuyến thăm Mỹ vừa qua. Nếu điều đó là đúng, thì Mỹ chỉ có thể đạt được các mục tiêu của mình bằng cách thuyết phục hoặc ép buộc Trung Quốc lùi bước.
Một số người cho rằng Trung Quốc không coi trọng mục tiêu thách thức vị thế thống trị của Mỹ ở châu Á và Mỹ có thể dễ dàng duy trì vị thế đó của mình. Có lẽ những người đó đang đánh giá thấp năng lực và quyết tâm của Trung Quốc.
Mỹ cố gắng duy trì vị thế thống trị của mình ở châu Á nhiều bao nhiêu thì Trung Quốc sẽ quyết phá bỏ vị thế đó nhiều bấy nhiêu. Bắc Kinh cũng sẽ như nước Mỹ, sẵn sàng dùng tới “mọi nhân tố” quyền lực mà họ có để đạt được các mục tiêu của mình ở châu Á. Và Trung Quốc ngày nay giàu có hơn và do đó có quyền lực lớn hơn so với bất kì kẻ thù nào của Mỹ trước đây – thậm chí là Liên Xô. Vì thế nếu người Trung Quốc quyết tâm thì nước Mỹ sẽ phải trả giá rất đắt mới khiến người Trung Quốc từ bỏ các tham vọng của mình, và cũng chưa ai dám đảm bảo rằng Mỹ sẽ thành công.
Với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng, Trung Quốc đang trên đường trở thành đối thủ lớn nhất của Mỹ từ trước tới nay. |
Còn nếu Mỹ thất bại thì sao? Nguy cơ lớn nhất không phải là Trung Quốc sẽ “hất cẳng” Mỹ và chiếm vị thế thống trị ở châu Á mà cả hai quốc gia sẽ bị cuốn vào thế đối đầu kéo dài dai dẳng và không đi đến đâu, dẫn tới những khoản chi phí khổng lồ về kinh tế và những rủi ro chiến lược trong đó có cả nguy cơ xảy ra chiến tranh, thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Đây không còn là nguy cơ trên lí thuyết nữa mà cuộc đối đầu Nhật – Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho thấy nguy cơ đó thực sự hiện hữu.
Vậy những lựa chọn khác là gì? Mỹ có thể theo đuổi các mục tiêu khác ở châu Á thay vì duy trì địa vị thống trị của mình không? Chìa khóa của vấn đề là phải nhận ra rằng không chỉ có 2 lựa chọn. Mỹ không nhất thiết phải lựa chọn giữa việc bỏ lại châu Á cho Trung Quốc hay cạnh tranh với Trung Quốc để giành thế thống lĩnh. Giữa hai thái cực này có rất nhiều phương án. Vấn đề chính là Mỹ sẽ chấp nhận nhượng bộ Trung Quốc tới đâu và đâu là giới hạn mà Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc vượt qua.
Đây là vấn đề mà Mỹ và các đồng minh vẫn chưa hề bàn bạc một cách nghiêm túc. Thay vào đó, họ lại đang mặc định rằng mục tiêu duy nhất của Mỹ ở châu Á là duy trì vị thế của mình và mặc định rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận điều đó.
Tất nhiên, không phải chỉ riêng Mỹ có trách nhiệm giải quyết sự khác biệt giữa nước này và Trung Quốc về vai trò của hai nước ở châu Á trong tương lai. Cả hai quốc gia đều phải có trách nhiệm như nhau. Nhưng nước Mỹ sẽ không thể thực hiện được phần trách nhiệm của mình nếu không chấp nhận rằng Trung Quốc sẽ không để Mỹ tiếp tục giữ vị thế thống trị ở châu Á trong tương lai và Trung Quốc có đủ năng lực để không chấp nhận điều đó.