Trung Quốc phớt lờ đơn kiện của Philippines
Hôm 22/1, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố rằng chính phủ nước ông sẽ đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án dựa trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà cả hai nước đều đã kí kết.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. |
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Philippines mong muốn ban hội thẩm sẽ bác bỏ tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Quốc gia Đông Nam Á này cũng sẽ phản bác lại hoạt động “phi pháp” của Trung Quốc xung quanh các mỏm đá thuộc về vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Công ước của Liên Hợp Quốc.
Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ không đồng ý tham gia vào vụ kiện này và giữ nguyên chính sách bấy lâu nay của nước này là giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán trực tiếp.
Chuyên gia Carl Thayer của Đại học New South Wales, Australia cho rằng tòa án có thể sẽ vẫn tiến hành giải quyết vụ kiện này ngay cả khi không có sự tham gia của Trung Quốc. Ông cho rằng Philippines hi vọng sẽ giành được chiến thắng về mặt tinh thần.
“Đây là vụ việc không chỉ có khía cạnh pháp lý mà còn có tính thuyết phục cao về mặt luân lý. Nếu tòa án ra phán quyết dù chỉ một phần có lợi cho Philippines thì điều đó sẽ làm suy giảm tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và tăng sức mạnh về mặt pháp lý và quốc tế cho Philippines”, ông Thayer nhận xét.
Nhưng ông Thayer cho biết quyết định của tòa án dù cho có tính “ràng buộc” về mặt pháp lý nhưng có thể dễ dàng bị Trung Quốc phớt lờ do không có cơ chế bắt buộc thi hành.
Sam Bateman, một chuyên gia về an ninh hàng hải, thừa nhận rằng nếu Trung Quốc từ chối tham gia vào vụ kiện thì đó “có thể sẽ không phải là sự thành công về quan hệ công chúng” và có thể đó lại chính là mục đích của chính phủ Philippines.
“Tôi cho đó là động thái táo bạo của Philippines; họ hi vọng rằng Trung Quốc sẽ đáp trả một cách tiêu cực”, chuyên gia Bateman bình luận và mô tả động thái này của Manila là “một nỗ lực để giành thế trên”.
“Nếu Trung Quốc lựa chọn con đường không tới tòa án thì tất nhiên điều đó sẽ dẫn tới sự lên án mới của cộng đồng quốc tế, dư luận sẽ biết thêm một ví dụ về sự quyết liệt của Trung Quốc và những thứ đại loại như vậy”, ông Bateman nói.
Tuy nhiên, ông Bateman cho biết theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, có quyền không tuân thủ phán xét của Tòa án về các cuộc tranh chấp chủ quyền và biên giới trên biển.
Và có vẻ đó là con đường mà Bắc Kinh lựa chọn. Hôm 23/1, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã tái khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với Biển Đông và tuyên bố Trung Quốc ủng hộ giải quyết cuộc tranh chấp “thông qua các biện pháp hòa bình”.
Theo hầu hết các nhà phân tích, dù thế nào thì tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines sẽ chưa thể giải quyết một sớm một chiều và vụ kiện này sẽ kéo dài từ 3 đến 4 năm.