Trung Quốc phản đối Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên
Hình ảnh vụ phóng tên lửa hôm 12/12 của Triều Tiên |
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp phản đối hành động Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa vào thứ Tư, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc cần gia tăng hành động với Triều Tiên, trong khi đó, các quốc gia đồng minh với Mỹ đã nhấn mạnh việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mạnh mẽ với quốc gia cô lập này.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hồng Lỗi, Trung Quốc cho rằng mọi phản ứng của Liên Hiệp Quốc "cần được cân nhắc thận trọng, chính xác và có lợi cho hòa bình và sự ổn định trên khu vực bán đảo Triều Tiên và tránh làm trầm trọng thêm tình hình hiện nay".
Mặc dù, Triều Tiên tuyên bố vụ phóng tên lửa hôm 12/12 nhằm đưa một vệ tinh dự báo khí hậu lên quỹ đạo và mang mục đích hòa bình, song nhiều quốc gia cho rằng Bình Nhưỡng đang vi phạm lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo mà Liên Hiệp Quốc đưa ra sau khi nước này tiến hành 2 cuộc thử nghiệm hạt nhân vào năm 2006 và 2009. Ngoài ra, sự thành công của vụ phóng trên còn là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Hồng tái khẳng định Trung Quốc "lấy làm tiếc" về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Đây là lời tuyên bố "khá nhẹ nhàng" so với phản ứng của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao - Cho Tai-Young khẳng định Triều Tiên "phải trả giá" cho hành động của mình và kêu gọi việc thi hành các lệnh trừng phạt mới với quốc gia này.
Trung Quốc hiện được xem là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất với Triều Tiên. Đây cũng chính là lý do buộc giới quan chức Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng từng chính sách của mình trong bối cảnh tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc - Tập Cận Bình đang dần nắm quyền điều hành đất nước.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc khẳng định không cần thi hành thêm bất cứ lệnh trừng phạt và trong mọi trường hợp Bắc Kinh có tầm ảnh hưởng rất ít tới Bình Nhưỡng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết vệ tinh của Triều Tiên hiện đang hoạt động trong khu vực quỹ đạo. Song mối quan tâm hàng đầu với phương Tây là việc Triều Tiên sẽ nâng cấp công nghệ để thực hiện các vụ phóng tên lửa có tầm bắn vươn tới bờ biển Thái Bình Dương.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng sự kiện phóng tên lửa hôm 12/12 là điểm nhấn khẳng định tài điều hành đất nước của nhà lãnh đạo trẻ tuổi - Kim Jong-un. Ông Kim Jong-Un đã giữ cương vị chủ tịch Triều Tiên được gần 1 năm kể từ sau cái chết của cha ông – cố chủ tịch Kim Jong-il (17/12/2012).
Đặc biệt, vụ phóng hôm thứ Tư của Triều Tiên đã gây ra mối quan ngại sâu sắc với cộng đồng quốc tế khi cho rằng quốc gia cô lập này đã đi theo vết xe đổ thử nghiệm các vụ phóng tên lửa và hạt nhân như trong quá khứ.
Năm 2006, Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên sau 3 tháng bắn thử tên lửa tầm xa.
Tháng 5/2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 2 sau 1 tháng quốc gia này tuyên bố phóng tên lửa đưa một vệ tinh vào không gian.
Sau 2 cuộc thử nghiệm hạt nhân, Liên Hiệp Quốc đã thi hành hàng loạt lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Song Bình Nhưỡng vẫn hành động bất chấp mọi cảnh bảo của cộng đồng quốc tế. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quyền được phóng vệ tinh", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên phát biểu trong ngày 12/12.
Hồi tháng 4, Triều Tiên đã gặp thất bại khi cho phóng tên lửa Unha-3 bởi chỉ sau 2 phút rời khỏi bệ phóng, tên lửa đã bị nổ tung. Tuy nhiên, sự thành công của vụ phóng hôm 12/12 đã giúp Bình Nhưỡng "lấy lại danh dự" và là sự kiện để tưởng niệm 1 năm ngày mất của cố chủ tịch Kim-Jong-il.