Trung Quốc nỗ lực thay đổi hình ảnh giới lãnh đạo cấp cao
Chỉ khoảng hai tuần sau khi lên nắm quyền kiểm soát chính đảng lớn nhất thế giới, Tổng Bí Thư Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân vật số hai trong Thường Vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường và Trưởng Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn đã nhanh chóng thể hiện một phong cách hoàn toàn đối ngược với phong cách của những người tiền nhiệm của họ.
Họ đã bỏ những thói quen cũ, từ chối đọc những tờ giấy được chuẩn bị sẵn khi đọc các bài phát biểu trước công chúng, khuyến khích các quan chức trong những cuộc họp mà họ chủ trì cũng làm như vậy. Họ cũng cố gắng tìm cách sử dụng ngôn ngữ đại chúng, vứt bỏ những từ ngữ nặng chất chuyên môn gây khó hiểu và lối nói dài dòng đã thành thói quen. Họ cũng xuất hiện tự tin hơn, thoải mái hơn so với những người tiền nhiệm của mình.
Ông Tập Cận Bình cùng với các thành viên Ban lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Trung Quốc đang muốn thể hiện một sự đổi mới về "hình ảnh" trước người dân. |
Tổng Bí Thư Tập Cận Bình – Chủ tịch nước tương lai của Trung Quốc – đã có 2 bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc trên sóng của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mà không cần phải nhìn vào các bài phát biểu sẵn có. Ông Tập Cận Bình cũng chủ trương cổ vũ các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc hạn chế lối nói suông và tập trung vào hành động thực tế.
Trong các cuộc họp Đảng, cả Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn đều yêu cầu các đại biểu không đọc những tờ giấy đã được chuẩn bị sẵn. Khi chủ trì một hội thảo chuyên đề về chống tham những, hối lộ ngày 30/11 vừa qua, ông Vương Kỳ Sơn đã ngắt lời những người dẫn chương trình khi họ bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách “Kính thưa đồng chí Vương Kỳ Sơn!”.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng điều đó đã phản ánh một sự thay đổi môi trường chính trị ở Trung Quốc, với việc ban lãnh đạo quyết tâm giành lại sự tin tưởng của nhân dân trong bối cảnh sự bất mãn đang lan rộng do nạn tham nhũng và bất công xã hội ngày càng trầm trọng, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng nới rộng.
Giáo sư Mã Quốc Hiền, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Đại Học Thượng Hải, nhận định: “Phong cách mới của các nhà lãnh đạo là nhằm điều chỉnh để thích hợp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội, một xã hội mà ở đó sự thiếu tin tưởng của người dân đối với chính quyền, cảm nhận của họ về dân chủ và những yêu cầu của họ đối với chính quyền… tất cả đều đang gia tăng ở mức độ mạnh”.
Giáo sư Mã Quốc Hiền nói rằng việc Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình thường xuyên sử dụng từ “nhân dân” trong các bài phát biểu của mình và những nỗ lực của nhà lãnh đạo này trong việc sử dụng ngôn ngữ đại chúng là những cố gắng để giành sự ủng hộ của công chúng đối với chính quyền.
7 người trong Ban Thường vụ Đảng cộng sản Trung Quốc ra mắt tại ĐH 18. |
Giáo sư Lưu Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Trung Đông thuộc Đại học Duke (Mỹ) cho rằng ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng “sửa chữa” hình ảnh của Đảng sau một loạt vụ bê bối chính trị liên quan đến các quan chức cấp cao, đặc biệt là vụ bê bối liên quan cựu ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai. Ông Lưu Khang cho rằng hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ bị mất uy tín như hiện nay.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị Chương Lập Phàm – người từng làm việc tại Viện Khoa học Chính trị Trung Quốc – nói rằng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đang tìm cách lấp đầy khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Ông Chương Lập Phàm nhấn mạnh: “Họ cần sự ủng hộ của công chúng bởi vì họ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng chưa từng thấy”.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng nói rằng họ vẫn chưa thấy dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sự khác biệt thực chất đáng kể của ban lãnh đạo mới so với những người tiền nhiệm. Giáo sư Mã Quốc Hiền nhận định: “Giờ đây, chúng ta có thể thấy sự khác biệt rõ ràng trong phong cách của họ, nhưng chúng ta vẫn phải chờ xem liệu có những thay đổi thực chất hay không”.