Trung Quốc ngày càng bị nhiều nước ghét vì Biển Đông
Theo AP, tại Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Đông Á, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, một người thường thể hiện giọng điệu ôn hòa và chín chắn, đã bất ngờ đưa ra tuyên bố rất cứng rắn về chủ quyền nước này trên Biển Đông.
Trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra tại Campuchia tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn của nước này về Biển Đông. |
Sau đó, các nhà lãnh đạo Philippines, Singapore và Việt Nam đã tỏ ra giận dữ khi Campuchia, nước chủ nhà của hội nghị và là đồng minh của Trung Quốc, tuyên bố rằng toàn bộ khối ASEAN đã nhất trí không để các nước bên ngoài tham gia vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông – nhằm ám chỉ đến Hoa Kỳ.
Tổng thống Philippines Aquino đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố này của Campuchia và nói:“ASEAN không phải là con đường duy nhất dành cho chúng tôi”, nhằm ám chỉ rằng Philippines sẽ theo đuổi cách thức giải quyết cuộc tranh chấp với Trung Quốc bằng con đường luật pháp quốc tế.
“Là một quốc gia có chủ quyền, chúng tôi có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”, ông Aquino tuyên bố.
Thể hiện hình ảnh về một nước Mỹ tự tin, thân thiện, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi giảm căng thẳng và không tuyên bố đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp này.
Bắc Kinh đang nỗ lực khẳng định vị thế của mình khi nước này không ngừng lớn mạnh nhưng Hoa Kỳ không chịu để ảnh hưởng của mình trong khu vực này bị suy yếu và khuyến khích các quốc gia khác không ngả về phía Trung Quốc.
“Sự hiện diện ngày càng tăng cùng với chính sách ngoại giao tương đối qui củ và trầm lặng của Hoa Kỳ dường như có sức mạnh hơn so với cách gây sức ép đầy độc đoán của Trung Quốc” Ernest Bower, chuyên gia trưởng về Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, bình luận hôm 22/11.
Động thái trên của Trung Quốc trái ngược hẳn với chính lối hành xử của nước này trong những thập kỷ vừa qua khi mà Trung Quốc “tán tỉnh” các nước Đông Nam Á bằng cách con đường thương mại và đầu tư cũng như bằng sức hút của thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Để duy trì mối quan hệ kinh tế thương mại nói trên, ông Ôn Gia Bảo tham gia vào các cuộc thảo luận về mở rộng thỏa thuận thương mại tự do nhằm tăng lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Đông Nam Á.
Theo giáo sư Aaron Friedberg, chuyên gia về chính trị học và quan hệ quốc tế của Đại học Princeton, động lực của nền kinh tế Trung Quốc “vẫn còn nhưng nụ cười thì đã phai nhạt”.
Một điều rất quan trọng đối với Bắc Kinh là làm sao cho chính sách về Đông Nam Á đi đúng hướng. Về mặt lịch sử đây là khu vực mà Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn. 10 quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là thị trường với 600 triệu dân và là khu vực có các tuyến đường hàng hải quan trọng và giàu có về hải sản, dầu khí và khoáng sản.
Năm 2010, ảnh hưởng của Bắc Kinh bắt đầu chìm xuống khi nước này tỏ ra quyết liệt hơn về tuyên bố chủ quyền các hòn đảo trên Biển Đông khiến các quốc gia trong khu vực cảm thấy lo ngại.
Trung Quốc lại vừa có động thái mới là in mới bản đồ lãnh thổ nước này trên hộ chiếu bao gồm toàn bộ Biển Đông, quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông và vùng biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ.
Hành động này của Trung Quốc bị ba nước láng giềng gồm Philippines,Việt Nam và Ấn độ phản đối kịch liệt.
Động thái in bản đồ lãnh thổ mới trên hộ chiếu của Trung Quốc bị các nước láng giềng phản đối kịch liệt. |
Căng thẳng về Biển Đông lên tới đỉnh điểm tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tuần trước với sự tham gia của 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.
Tổng thống Philippines Aquino nêu ra vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough và đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố các hòn đảo trên Biển Đông đã “là lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa và không có vấn đề tranh chấp chủ quyền tồn tại ở đây”.
Theo Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, trong cuộc họp kín, ông Ôn Gia Bảo đã tuyên bố rằng hành động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc là hoàn toàn “phù hợp và cần thiết”.
Theo chuyên gia Bower của CSIS, tuyên bố cứng rắn của ông Ôn Gia Bảo là “có tính phá hoại và nguy hiểm”.
“Đó là một cơ sở (tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc) rất thiếu chắc chắn và sự không chắc chắn sẽ gây ra sự bất ổn trong khu vực, làm suy yếu nền tảng cho sự phát triển của khu vực”, ông Bower bình luận.
Tình hình kinh tế hiện nay vẫn nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc và dự kiến trong những năm sắp tới nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giáo sư Friedberg nhận xét rằng việc Trung Quốc nhất định không chịu lùi bước cho thấy Bắc Kinh tin chắc rằng sự lớn mạnh về kinh tế của nước này cuối cùng sẽ đủ mạnh để thuyết phục các nước láng giềng ASEAN rằng tương lai của họ là nằm ở mối quan hệ với Trung Quốc, chứ không phải với Hoa Kỳ.
“Theo tôi điều quan trọng là liệu các nước Đông Nam Á có tin tưởng rằng Hoa Kỳ thực sự có đủ quyết tâm và nguồn lực để theo đuổi các cam kết mà họ đã đưa ra trong những năm vừa qua hay không. Nếu các nước này bắt đầu nghi ngờ về điều đó thì họ sẽ phải làm nhiều hơn nữa để thỏa hiệp với Bắc Kinh”, ông Friedberg nói.