Trung Quốc mất dần kiên nhẫn với Triều Tiên
Nền công nghệp yếu kém của Triêu Tiên không đủ sức cung ứng cho 24 triệu dân |
Thái độ thất vọng của Bắc Kinh được thể hiện thông qua quyết định phê chuẩn lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc đưa ra trước hành động Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 12 năm ngoái. Thái độ cứng rắn bất thường của Trung Quốc cũng đã khiến nhiều nhà phân tích hết sức bất ngờ cũng như nhận được không ít lời chỉ trích từ phía Bình Nhưỡng.
Mặc dù, Trung Quốc sẽ không bỏ rơi quốc gia láng giềng song khả năng chính phủ nước này đang tiến hành đánh giá lại các mối quan hệ kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un lên nắm quyền điều hành đất nước. Song câu hỏi quan trọng đặt ra là bao lâu nữa cường quốc châu Á dưới thời lãnh đạo của tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc - Tập Cận Bình sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ cho các chính sách “hiếu chiến” của Triều Tiên.
“Rõ ràng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ vẫn ủng hộ cho Triều Tiên. Song ông Kim sẽ phải bất ngờ về những phản ứng của Trung Quốc trong tương lai”, Richard Bush – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông bắc châu Á thuộc Viện Brookings tại Washington, Mỹ nói.
Mặc dù, Trung Quốc vẫn luôn ủng hộ ông Kim kể từ khi ông giữ vị trí nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên sau cái chết của cố chủ tịch Kim Jong-il hồi tháng 12/2011 thông qua việc duy trì nguồn tài trợ và đầu tư thương mại.
Song ông Kim lại tỏ ra thờ ơ trước những lợi ích mà Trung Quốc quan tâm mà điển hình là tình hình ổn định với các quốc gia láng giềng để tiến hành 2 vụ phóng tên lửa tầm xa và chuẩn bị cho kế hoạch thử hạt nhân lần thứ 3. Theo đó, Triều Tiên đã tuyên bố sẵn sàng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 nhằm phản ứng trước việc Liên Hiệp Quốc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới vào hồi tháng trước.
“Ban đầu, Trung Quốc nhiệt liệt ủng hộ ông Kim bằng việc duy trì nguồn tài trợ. Trung Quốc đã cố gắng thắt chặt mối quan hệ thân thiết hơn với ông Kim nhưng không thành công do đó Trung Quốc cảm thấy thất vọng”, Jin Canrong – chuyên gia ngoại giao quốc tế tại Đại học Renmin, Bắc Kinh nhận định.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn xem Bình Nhưỡng là một mấu chốt quan trọng để theo dõi lực lượng quân đội Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc cũng hết sức lo ngại về khả năng quốc gia cô lập – Triều Tiên bị sụp đổ làm dấy lên làn sóng di cư ồ ạt sang khu vực biên giới nước này. Do đó, Bắc Kinh sẽ không để Bình Nhưỡng phải một mình chống chọi với cộng đồng quốc tế mặc dù Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi và tiến hành cải tổ nền kinh tế.
“Trung Quốc chưa sẵn sàng từ bỏ ủng hộ Triều Tiên trong thời điểm này”, Roger Cavazos – nhà nghiên cứu Triều Tiên tại Viện An ninh và Bền vững Nautilus, Mỹ nhận định.
Trong tuần qua – thời điểm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, hàng chục chiếc xe tải của Triều Tiên đã xếp hàng dài trước cửa hải quan tại thành phố biên giới phía đông bắc Trung Quốc – Đan Đông để vận chuyển gạo, dầu ăn, đồ điện tử và nhiều nhu yếu phẩm khác về Triều Tiên do nền công nghiệp yếu kém của quốc gia này không đủ khả năng sản xuất và cung cấp hàng hóa cho 24 triệu dân.
Trước đây, chủ tịch Kim khẳng định nền kinh tế Triều Tiên đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Song nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng những chính sách cải cách kinh tế mới có thể vượt quá tầm kiểm soát và ảnh hưởng tới chính sách độc đoán của nhà lãnh đạo trẻ.
“Triều Tiên chỉ đang tiếp nhận nguồn viện trợ của Trung Quốc và thực hiện một vài giao dịch song toàn cảnh nền kinh tế không có gì thay đổi”, một tiểu thương Trung Quốc tại vùng biên giới Đan Đông chia sẻ.
Trong khi đó, những hàng rào chắn khổng lồ vẫn được dựng ngay sát khu vực biên giới của Triều Tiên nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp tìm đường sang Trung Quốc và Hàn Quốc với niềm hy vọng về một cuộc sống mới no đủ hơn.
Mỗi năm, Trung Quốc tài trợ cho Triều Tiên khoảng nửa triệu tấn dầu cùng với lượng lớn thực phẩm. Ngoài ra, các công ty của Trung Quốc còn đầu tư mạnh vào lĩnh vực khai thác than tại Triều Tiên mặc dù nhiều nhà thầu thường xuyên phàn nàn về tình trạng tham nhũng cũng như phá hợp đồng của đối tác láng giềng.
Mới đây, Trung Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích việc Triều Tiên chi tiêu quá nhiều cho các chương trình quốc phòng, phát triển tên lửa và hạt nhân thay vì đầu tư vào lĩnh vực kinh tế. “Chúng tôi khuyến khích Triều Tiên chú trọng phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân”, Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu hồi tháng 1 vừa qua.