Trung Quốc ký hợp đồng hơn 450 tỷ USD mua khí đốt của Nga
Trong chuyến thăm tới thành phố Thượng Hải của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ ngày 20 – 21/5, Tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga Gazprom và Tập dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) sẽ ký kết bản hợp đồng vận chuyển 38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018.
Đây được xem là thời điểm thích hợp để Nga và Trung Quốc ký kết các bản hợp đồng mua bán khí đốt. Bởi hiện nay, Moscow đang phải tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây bằng cách hướng về châu Á. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào than đá – nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay tại quốc gia đông dân nhất thế giới, và chuyển sang sử dụng nguồn khí đốt tự nhiên thân thiện hơn với môi trường.
Gazprom và CNPC sẽ ký kết hợp đồng vận chuyển38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018 |
“Hợp đồng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc đã gần hoàn thiện. Bản hợp đồng này sẽ giúp Nga đa dạng hóa các tuyến đường ống cung cấp khí đốt tự nhiên. Trong khi đối tác của chúng tôi - Trung Quốc sẽ giảm bớt mối lo về việc thiếu nguồn cung năng lượng cũng như đảm bảo an ninh môi trường nhờ sử dụng nhiên liệu sạch”, hãng tin RT dẫn lời Tổng thống Putin.
Bản hợp đồng trên đã được Nga và Trung Quốc thảo luận trong hơn 10 năm qua liên quan tới giá cả, xây dựng đường ống dẫn và khả năng các công ty Trung Quốc góp cổ phần trong nhiều dự án của Nga. Theo đó, giá bán khi đốt giữa hai nước sẽ vào khoảng 350 – 400 USD/1.000 m3.
Trước đó, hồi tháng Một, Tập đoàn Gazprom đã đưa ra mức giá bán dự tính là 360 – 400 USD/1.000 m3. Tuy nhiên, tờ Izvestia dẫn nguồn tin từ giới công nhân Gazprom cho hay công ty này có thể bán với giá thấp hơn từ 350 – 380 USB/1.000 m3 cho Trung Quốc.
“Dĩ nhiên, Nga muốn bán khí đốt và các nguồn tài nguyên với giá cao nhất. Nhưng do lệnh trừng phạt từ các đối tác châu Âu, chúng tôi cần một đối tác mua bán khí đốt lâu dài và Trung Quốc là một điểm đến hấp dẫn”, Aleksandr Prosviryakov, một đối tác tại Lakeshore International – công ty quản lý tài sản đặt trụ sở tại Moscow cho biết.
Xây dựng đường ống dẫn khí đốt
Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là quá trình hoàn thiện đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Trung Quốc. Mới đây, một đường ống dẫn khí đốt chạy từ Nga tới khu vực biên giới Trung Quốc mang tên “Năng lượng Siberi” do Gazprom khởi công từ năm 2007, đã được hoàn thiện. Theo đó, đường ống dẫn này chạy xuyên suốt khu vực Viễn Đông của Nga và kéo dài tới Trung Quốc. Nhờ đường ống này, Nga sẽ vận chuyển khí đốt tới vùng phía bắc đông dân cư gần Bắc Kinh của Trung Quốc.
Ngoài ra, nguồn cung khí đốt còn có thể được chuyển qua Vladivostok, thành phố cảng phía đông của Nga trên Biển Nhật Bản hoặc qua thành phố Blagoveshchen, một vịnh kín tại vùng Amur.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt là trở ngại hiện nay để Nga vận chuyển năng lượng sang Trung Quốc |
Để thực hiện dự án vận chuyển khí đốt vào năm 2018, hai tập đoàn Gazprom và CNPC cần thông qua một thỏa thuận về quá trình hoàn thiện hệ thống đường ống dẫn tại Trung Quốc với chi phí dự báo vào khoảng 22 – 30 tỷ USD.
Năm 2009, Bắc Kinh và Moscow đã ký kết một thảo thuận mà theo đó, Gazprom sẽ cung cấp cho Trung Quốc 30 tỷ m3 khí đốt mỗi năm kể từ năm 2015 thông qua đường ống Altai, đưa khí đốt tới vùng Tân Cương của Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Nga đã dừng dự án này vào năm 2013 và ưu tiên phát triển đường ống dẫn “Năng lượng Siberi”. Trong trường hợp, cả 2 đường ống Altai và “Năng lượng Siberi” cùng hoạt động, mỗi năm, Nga có thể bơm 68 tỷ m3 khí đốt tới Trung Quốc.
Không lo thiếu năng lượng
Với 1,5 tỷ dân, nhu cầu sử dụng năng lượng tại Trung Quốc đang trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Trong năm nay, Trung Quốc dự định tăng thêm 20% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên và hàng năm, nhập khoảng 186 tỷ m3.
“Thỏa thuận mua bán với Tập đoàn Gazprom và hợp tác với Nga cho thấy Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Một phần thế giới giờ đã thuộc về Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Trong khi, vai trò của Mỹ ngày một suy giảm, ông Prosviryakov nói.
Chủ tịch Triotoni – một công ty đầu tư tại Singapore, ông Peter Panov nhấn mạnh: “Trung Quốc đang là nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất. Xét về số lượng và giá trị, Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất trên thế giới và dần trở thành nền kinh tế số 1”.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga, Anatoly Yanovsky cho biết bản hợp đồng mua bán khí đốt với Trung Quốc đã hoàn thiện tới 98%. Song phía Bắc Kinh vẫn giữ in lặng trước thông tin trên.
Hiện nay, châu Âu vẫn là thị trường nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga với khối lượng hơn 160 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hồi năm 2013. Tuy nhiên, xung quanh hành động can thiệp gần đây của Nga tại Ukraine, các bộ trưởng châu Âu đã cân nhắc về việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Moscow.