Trung Quốc: “Không đem “những lợi ích cốt lõi” ra mặc cả”
Vào thời điểm mà căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các nước láng giềng châu Á khác về chủ quyền trên biển, ông Tập đã chuyển tới Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc một số nguyên tắc có khả năng tham gia vào việc hình thành chính sách ngoại giao của nước này. Mục đích là vừa đưa ra cam kết gìn giữ hòa bình lại vừa cảnh báo về những đòi hỏi nhất định mà Bắc Kinh "quyết không nhân nhượng".
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình |
Tâm điểm của thông điệp của ông Tập là sự đề cập tới “những lợi ích quốc gia cốt lõi”, một thuật ngữ mơ hồ mà ông cũng như các quan chức Trung Quốc cấp cao khác sử dụng để nói về các lợi ích an ninh và chủ quyền mà họ cho rằng không thể thương lượng được. Trong số các “lợi ích cốt lõi” này có liên quan đến vấn đề Tây Tạng và Tân Cương nhưng nổi bật nhất là chiến lược đưa Đài Loan "nhập về Trung Quốc đại lục".
“Không quốc gia nước ngoài nào nên nuôi hi vọng rằng chúng tôi sẽ mặc cả về các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình. Họ cũng không nên nuôi hi vọng rằng chúng tôi sẽ để các lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển bị xâm hại”, ông Tập nói trong cuộc họp Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 28/1.
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình được công bố không đề cập tới cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông hay bất kỳ vấn đề ngoại giao cụ thể nào. Nhưng những lời nói của ông Tập có lẽ củng cố thêm kì vọng của giới theo dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc và những lo ngại của dư luận bên ngoài và rằng ông Tập sẽ bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình mạnh mẽ hơn chính người tiền nhiệm của ông, ông Hồ Cẩm Đào. Ông Hồ Cẩm Đào giữ chức chủ tịch Trung Quốc cho tới khi Quốc hội nước này họp vào tháng 3 tới, khi đó ông Tập Cận Bình sẽ đón nhận chức vụ chủ tịch thay ông Hồ Cẩm Đào.
“Vâng, đó quả là một chính sách cứng rắn khi nói rằng chúng tôi sẽ không bán đi lợi ích cốt lõi của mình”, Shen Dingli, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, bình luận.
Theo giáo sư Jin Canrong của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, tuyên bố của ông Tập là sự phản ánh chính sách ngoại giao từ trước đến nay của Trung Quốc, tuy nhiên ông Tập tỏ ra quyết tâm hơn người tiền nhiệm của mình trong việc khẳng định lập trường của Trung Quốc về các vấn đề chủ quyền.
“Đó là những nguyên tắc cơ bản, chỉ là chúng được ông Tập phát biểu rõ ràng hơn thôi. Hiện giờ tiềm lực của Trung Quốc đã lớn hơn rất nhiều và dư luận trong nước tập trung chú ý hơn vào chính sách ngoại giao và vì thế ông Tập mới tuyên bố cứng rắn như vậy”, ông Jin nói.
Trong suốt chuyến công du tới Mỹ cách đây 1 năm, ông Tập cũng yêu cầu Mỹ tôn trọng “lợi ích quốc gia cốt lõi” của Trung Quốc.
Vài tháng trước khi ông Tập bắt đầu giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản thì quan hệ Nhật – Trung đã căng thẳng do tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc hiện cũng đang mắc kẹt trong các cuộc tranh chấp với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, về chủ quyền trên Biển Đông, một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới và được cho là có trữ lượng dầu mỏ lớn.
Từ khi giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các lực lượng vũ trang nước này tập trung vào tập luyện để chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột đồng thời đấu tranh chống tham nhũng và kỉ luật lỏng lẻo.