Trung Quốc không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác
![]() |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Phát biểu tại diễn đàn Con đường Tơ lụa mang tên "Một vành đai - Một con đường", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: Trung Quốc không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, thông qua việc đưa ra dự án Con đường Tơ lụa, Bắc Kinh đang cố gắng để tạo ra một mô hình hợp tác quốc tế các bên cùng có lợi mới.
Ông Tập khẳng định: "Chúng tôi không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, đưa ra hệ thống xã hội và mô hình phát triển của chúng tôi, hoặc áp đặt ý chí của chúng tôi".
Ông cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc hy vọng thông qua việc phát triển dự án "Một vành đai - một con đường" sẽ tạo ra một mô hình hợp tác các bên cùng có lợi mới.
Ngày 14-15/5, Bắc Kinh tổ chức diễn đàn cấp cao về hợp tác quốc tế trong khuôn khổ của chiến lược "Một vành đai - Một con đường". Diễn đàn có sự tham dự của Chủ tịch, Tổng thống và thủ tướng của 29 quốc gia, trong đó có nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Phía Mỹ cử phái đoàn do cố vấn Nhà Trắng Matt Pottinger dẫn đầu dự hội nghị. Hôm 9/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Triều Tiên sẽ gửi một phái đoàn đến dự diễn đàn kinh tế này. Trước đó tờ Reuters đưa tin, đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã trao công hàm ngoại giao tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng việc mời Triều Tiên gửi sai thông điệp vào thời điểm thế giới đang cố gây sức ép với Bình Nhưỡng trước những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tục.
Năm 2103, Trung Quốc công bố chiến lược phát triển kinh tế mới mang tên "Một vành đai - một con đường", đặt trọng tâm vào việc tạo ra các cơ sở hạ tầng và thiết lập mối quan hệ giữa các quốc gia Âu Á. Chiến lược này bao gồm sự phát triển của hai lĩnh vực chính: vành đai kinh tế của con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa Hàng hải. Thông qua chiến lược, một hành lang thương mại dành riêng cho việc trao đổi hàng hóa trực tiếp từ Đông sang Tây sẽ được thành lập cùng các điều khoản thuận lợi.
![]() |
Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Đối với Trung Quốc, diễn đàn lần này là minh chứng cho sự tăng cường vị thế đất nước, còn đối với Nga, đây là “nhiệm vụ chính trị” và nhằm củng cố vị thế của Liên minh kinh tế Á-Âu trước sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc.
Chuyên viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Đông Á và SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải) thuộc Học viện Ngoại giao MGIMO Igor Denisov cho biết: “Tuyên bố chung của ông Tập Cận Bình và ông Putin vào tháng 5/2015 đã mở ra một cuộc tranh luận về việc Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác như thế nào ở Á-Âu. Chính vì vậy, Moscow không thể từ chối tham gia vào diễn đàn lần này, được đánh giá sẽ đưa sáng kiến của Trung Quốc lên một tầm cao mới”.
Đồng thời, theo ông Denisov, giới lãnh đạo Nga cũng rất quan tâm tới việc vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa lãnh thổ Liên minh kinh tế Á-Âu với lãnh thổ của Vành đai và Con đường, chứng minh rằng dự án Á-Âu của Nga là thân thiện nhưng về vấn đề lãnh thổ và độc lập của lục địa này thì không thuộc sáng kiến của Trung Quốc.
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Diễn đàn với cương vị là lãnh đạo của Liên minh kinh tế Á-Âu, nhưng nội dung đã được ký kết hôm 8/5/2015 về việc kết nối Liên minh kinh tế Á-Âu với Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa của Trung Quốc sẽ không được thảo luận trong lần này.
Và mặc dù Tổng thống Putin đến Bắc Kinh với phái đoàn hùng hậu bao gồm nhiều Bộ trưởng và doanh nhân, nhưng phần lớn các chương trình nghị sự hợp tác chung Nga-Trung Quốc sẽ được hoãn cho tới mùa hè, thời điểm dự kiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến thăm Nga vào đầu tháng 7 tới.