Trung Quốc – 'kẻ ngáng đường' ASEAN trở thành EU?
Trung Quốc – 'kẻ ngáng đường' ASEAN trở thành EU?
Bị chia rẽ từ bên ngoài
Theo lộ trình hợp tác và phát triển đã được các quốc gia Đông Nam Á thống nhất, đến năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế thống nhất theo mô hình của EU hiện nay dù các nền kinh tế trong khối vẫn đang có sự chênh lệch khá lớn, có những quốc gia giàu có như Singapore cho đến những quốc gia còn đang rất nghèo như Myanmar.
Nhưng theo bình luận của hãng tin Reuters (Anh), sự chênh lệch này lại không phải là vấn đề có thể cản trở ASEAN trở thành một EU thứ 2 mà cái chính là việc đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào các nền kinh tế còn nghèo khó của khối để từ đó làm động lực ngăn cản sự thống nhất và đoàn kết của Đông Nam Á với mục tiêu xa hơn là “chia nhỏ lực lượng” có thể ngăn cản họ trong các cuộc đối đầu về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông – khu vực được cho là đang chứa một nguồn dầu mỏ và khí đốt khá dồi dào.
“Vấn đề này là có thật, nhưng nó sẽ không thể ngăn cản được tiến trình hội nhập của ASEAN”, ông Surin Pitsuwan – Tổng thư ký ASEAN nói với các nhà ngoại giao tại hội nghị vừa diễn ra ở Jakarta, ám chỉ đến thất bại của Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao của khối vừa được tổ chức ở Campuchia , “Tuy nhiên, đó là một tín hiệu sớm và chắc chắn sẽ không phải là tín hiệu cuối cùng”.
Người dân Philippines biểu tình phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền của nước này tại Biển Đông. |
Chưa đồng thuận từ bên trong
Dưới con mắt các nhà đầu tư quốc tế, Đông Nam Á hiện đang là một điểm đến vô cùng hấp dẫn bởi nền kinh tế châu Âu đang chìm đắm trong khủng hoảng và chưa tìm ra lối thoát, trong khi Mỹ đang hồi phục quá chậm chạp còn các khu vực còn lại của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… lại biểu hiện sự chững lại và sa sút ngày càng rõ rệt.
Các nhà kinh tế thế giới nhận định, ước tính dòng vốn nước ngoài chảy vào ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt 1,4 tỷ USD. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc trong 6 tháng qua đã đạt 1,6 tỷ USD, Ấn Độ cũng bị “hao hụt” khoảng 185 triệu USD.
Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào một nền kinh tế “kiểu EU” của 10 nước ASEAN với tổng năng lực sản xuất đạt tới 2.000 tỷ USD và sự luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư hay đội ngũ lao động có chuyên môn, tay nghề cao trong số 600 triệu dân.
Trong nội bộ ASEAN, người ta vẫn nhận thấy có những mâu thuẫn nhỏ ví dụ như cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Campuchia và Thái Lan hay sự xung đột văn hóa giữa Malaysia và Indonesia. Nhưng tất cả những vấn đề này đều có thể có hướng giải quyết và “vật cản” lớn nhất còn lại chỉ là vấn đề 4 nước thành viên của họ đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc.
Chưa hết, nếu như đến năm 2015 ASEAN thành lập được một cộng đồng kinh tế thống nhất, rất có thể họ sẽ đi vào vết xe đổ của EU hiện tại nghĩa là hình thành lên các “cặp đôi” trong nhóm các nền kinh tế phát triển như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Brunei... đẩy các nền kinh tế kém phát triển hơn như Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines vào thế bị phụ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc.
"Nước cờ hiểm" của Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất vào Campuchia và Myanmar đồng thời đang dần đuổi kịp tổng mức đầu tư của Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU vào toàn khối ASEAN. “Sự khác biệt chính là Trung Quốc đang cho Campuchia những thứ mà họ cần trong khi ASEAN không thể đảm bảo’, Aleksius Jemadu, Trưởng khoa nghiên cứu về chính trị và khoa học xã hội của trường ĐH Pelita Harapan ở Jakarta (Indonesia) bình luận, “Các quốc gia ASEAN sẽ tiếp tục hành động dựa trên nhu cầu quốc nội của họ nên sẽ rất khó trông đợi sự thống nhất và vấn đề Biển Đông chỉ là một ví dụ”.
Quả thực, Trung Quốc đang chơi một "nước cờ hiểm". Theo các báo cáo kinh tế, GDP bình quân đầu người của Campuchia trong năm 2011 chỉ đạt khoảng 900 USD và đầu tư trực tiếp nước ngoài (năm 2010) đạt 800 triệu USD, trong khi quốc gia được cho là giàu có nhất ASEAN là Singapore có GDP bình quân đạt 46.241 USD và FDI đạt 39 tỷ USD. Theo China Daily, trong khoảng từ năm 1994 đến 2011, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 8,8 tỷ USD vào Campuchia.
Tại Hội nghị ngoại trưởng vừa diễn ra ở Phnom Penh, nhiều nhà ngoại giao đã thẳng thắn cho rằng Campuchia cố tình gạt bỏ các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông dưới sức ép của Trung Quốc. Ngược lại, một số nhà ngoại giao của Campuchia lại “tố” rằng Philippines và Việt Nam cố tình “làm đổ vỡ” hội nghị này.
Có một thực tế không thể phủ nhận là trong khi Việt Nam và Philippines vẫn đang nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường ngoại giao, hòa bình và đàm phán đa phương thì Trung Quốc vẫn cố tình đưa vấn đề này về bàn đàm phán song phương nhằm dễ bề “bắt nạt” đối phương.
Trung Quốc vừa cho hạ thủy tàu tuần tra lớn nhất của nước này với tuyên bố sẽ "tích cực thực thi quyền chấp pháp" tại Biển Đông, kể cả tại các vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác - một hành động bất chấp luật pháp và công ước quốc tế và thể hiện thái độ hung hăng, hiếu chiến của mình. |
ASEAN đi lối nào?
Theo truyền thống của mình, ASEAN cho phép các quốc gia thành viên thực thi lộ trình hội nhập theo cam kết linh hoạt và phù hợp với từng nước. Ví dụ, Singapore và Lào đã tiến tới thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục còn 6 quốc gia khác bao gồm cả Việt Nam đã thống nhất liên kết thị trường chứng khoán của nhau kể từ cuối năm 2011 nhằm thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh việc chưa thể đồng thuận để giải quyết vấn đề Biển Đông, ASEAN chưa có một nghị viện quy chuẩn hay các bộ máy hành chính, hành pháp… cũng là những cản trở khá lớn. Hiện nay, ASEAN đang có Hội đồng thư ký, cơ quan đặt trụ sở ở Jakarta nhưng có quyền lực khá hạn chế.
Trong tương lai, vấn đề mà ASEAN sẽ còn phải đối mặt là việc chuẩn hóa quy trình thủ tục hải quan, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính hay các ngành công nghiệp đang được bảo hộ và cho phép sự cạnh tranh nội khối…, những công việc không hề đơn giản.
Nhưng trên hết, sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc mới là “nguy cơ” lớn nhất. “Sự đổ vỡ của Hội nghị ở Phnom Penh cho thấy Trung Quốc không chỉ sử dụng Campuchia để chia rẽ ASEAN mà điều đó còn cho thấy họ đang rất “hạnh phúc” với việc làm đó”, Bryony Lau, một nhà nghiên cứu về Biển Đông thuộc Trung tâm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group) có trụ sở ở Jakarta nói.
Minh Tân
Tổng hợp