Trung Quốc dùng thủy điện chặn dòng ở Ấn Độ
Hôm 30/1, tờ Hindu (Ấn Độ) cho biết Trung Quốc đang xem xét xây dựng 3 dự án thủy diện “lòng sông” mới trên sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng. Dòng sông này khi chảy vào Ấn Độ được đặt tên là Brahmaputra.
Một đoạn sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra từ Trung Quốc qua Ấn Độ. |
“Chính phủ Ấn Độ theo dõi sát sao tất cả diễn biến trên sông Brahmaputra. Ấn Độ đề nghị Trung Quốc đảm bảo rằng lợi ích của các quốc gia hạ lưu không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động ở khu vực thượng nguồn”, phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin phát biểu trong một cuộc họp báo.
Tuần trước, chính phủ Trung Quốc đưa ra thông báo rằng nước này sẽ “thúc đẩy việc xây dựng thủy điện một cách toàn diện” trên một số dòng sông trong đó có “các khúc giữa của dòng sông Yarlung Zangbo”.
Mặc dù đây là các dự án thủy điện “lòng sông” – tức là không cần hồ chứa nước lớn hoặc gây cản trở gì tới dòng chảy – nhưng bất kì dự án xây dựng nào trên con sông Yarlung Zangbo cũng sẽ là tín hiệu đáng báo động đối với New Delhi.
Ấn Độ vẫn lo ngại về nguy cơ nước láng giềng khổng lồ của họ sẽ làm chuyển hướng hoặc chặn dòng chảy của các dòng sông bắt nguồn từ Tây Tạng.
Theo các báo cáo của Trung Quốc, nước này bắt đầu xây một con đập lòng sông trên sông Yarlung Tsangpo vào năm 2010, dự kiến giúp cung cấp điện cho khu vực Tây Tạng.
Đập thủy điện này luôn là chủ đề trao đổi giữa chính phủ hai nước. Hôm 30/1, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu rằng nước này “vẫn luôn có thái độ trách nhiệm đối với việc khai thác và sử dụng các dòng sông cắt ngang biên giới hai nước”.
“Bất kỳ dự án mới nào cũng phải được lên kế hoạch một cách khoa học và xem xét tới lợi ích của cả các cộng đồng thượng lưu và hạ lưu”, ông Hồng Lỗi nói tiếp.
Con sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra có chiều dài 2.900km, bắt nguồn từ dãy Himalaya và chảy xuống đồng bằng phía đông bắc Ấn Độ và cuối cùng đổ ra Vịnh Bengal. Con sông này cung cấp nước cho hàng trăm triệu nông dân và cư dân sống xung quanh.
Mặc dù năm 2012 được coi là “Năm của tình bằng hữu và hợp tác Trung - Ấn” nhưng mối quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn đầy chông gai.
Hiện hai nước vẫn đang tranh chấp chủ quyền ở khu vực biên giới nơi xảy ra cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962.