Trung Quốc, Donald Trump dưới góc nhìn của cựu Thủ tướng Australia
Những quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương đang trở nên lo lắng khi Trung Quốc bành trướng lãnh thổ, thách thức trật tự tự do vốn có cũng như việc ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đe dọa sẽ phá vỡ các mối quan hệ đồng minh lâu dài của Mỹ được coi là hai vấn đề “nóng nhất” trên thế giới hiện nay. Vì vậy, việc một người bạn lâu năm và thân thiết của Mỹ như ông John Howard không mấy lo ngại trước những sự việc trên khiến nhiều người ngạc nhiên.
Trung Quốc không “dại” gì đối đầu với Mỹ
Khi đề cập đến sự hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm nay, cựu Thủ tướng Australia tỏ ra khá bình tĩnh: “Theo cách nhìn của tôi thì Trung Quốc đang cố gắng trưng bày tất cả những khuynh hướng của một cường quốc mới nổi trên trường quốc tế. Họ “vung” sức mạnh của mình khắp nơi, giống như người Đức, người Mỹ từng làm hay các quốc gia châu Âu khác từng làm ở mỗi giai đoạn khác nhau. Nhưng tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ có lợi gì khi đối đầu với Mỹ và tôi cũng chắc chắn chính Bắc Kinh cũng hiểu rõ điều đó”.
Liệu tình hình trên Biển Đông có biến thành một cuộc đối đầu như vậy hay không? Theo ông Howard, những tranh chấp trên quần đảo Trường Sa có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian dài mà không leo thang nhanh chóng.
Cựu Thủ tướng Australia John Howard bình luận về Biển Đông và Donald Trump. Nguồn: The Guardian |
Ông phân tích: “Trung Quốc ngày nay mạnh hơn rất nhiều so với thời Mao Trạch Đông hay những năm 1990 và cũng có những tương đồng về lịch sử nhưng chắc chắn Bắc Kinh không thể “làm tới”, cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông như đối với Đài Loan. Khi đụng đến vấn đề nhạy cảm và tự tôn dân tộc, không có một ví dụ nào chính xác hơn Đài Loan. Các nguy cơ sẽ không thể bị loại bỏ thông qua bất kỳ vòng đàm phán nào vì vậy tôi cho rằng chúng ta cần kiên nhẫn. Không trốn tránh nhưng phải kiền trì và hiểu rằng mâu thuẫn không nằm trong lợi ích lâu dài của nhà nước Trung Quốc”.
Khi được hỏi “liệu “không trốn tránh” có đồng nghĩa với việc hải quân Australia nên tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hay không?, ông Horward trả lời: “Có thể. Quan điểm của tôi là phải bảo vệ tự do hàng hải. Việc thực hiện bảo vệ tự do hàng hải như thế nào mới là vấn đề gây tranh cãi”.
Rất nhiều chính khách Mỹ đã kêu gọi Australia cùng với Washington tăng cường các hoạt động tuần tra trên Biển Đông. Đó là cách mà Hoa Kỳ muốn thực hiện ngay thay vì ngồi đợi Bắc Kinh “trở thành một người chơi có trách nhiệm” trong trật tự của thế giới tự do.
Tuy nhiên, nếu như Mỹ quan ngại nhiều hơn trước hành động của Trung Quốc thì ông Howard lại cho rằng “Australia có một trải nghiệm khác so với Mỹ”. Là Thủ tướng từ năm 1996 đến 2007, ông Howard đã cho triển khai quân đội đến Afghanistan và Iraq, chiến đấu cùng binh lính Mỹ trong tất cả các cuộc xung đột lớn trên thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ I.
Nhưng đối với người Australia, không giống như người Mỹ, “Trung Quốc giờ đây là một địa điểm xuất khẩu tốt nhất vì vậy Australia cần phải kiên định với các quy tắc trong thương mại đối với bất kỳ một quốc gia nào”, ông nói.
Cựu Thủ tướng Australia nhận định: “Đôi khi Mỹ sai lầm khi cho rằng Trung Quốc sẽ “vượt mặt” họ nhưng theo tôi Hoa Kỳ vẫn là cường quốc mạnh nhất thế giới trong vòng 50 năm tới. Ngược lại, Bắc Kinh còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức”.
Ông Howard cảnh báo với tốc độ già nhanh của dân số và chủ nghĩa độc đoán gia tăng chính là những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt. “Một thế hệ đi từ nghèo khó đến giàu có sẽ có thể dễ dàng nghe theo lời sai bảo nhưng một thế hệ được sinh ra từ giới trung lưu sẽ không dễ bảo như vậy. Vì vậy, chính quyền Bắc Kinh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”, ông nói.
Donald Trump chứa đầy “bất ổn”
Đề cập đến tỷ phú Donald Trump, “ngôi sao” đang lên của chính trường Mỹ, ông Howard từng cho biết: “Tôi khá lo sợ trước ý nghĩ ông Trump sẽ trở thành Tổng thống, ở ông Trump có sự bất ổn mà tôi thấy rất phiền phức”.
Cựu Thủ tướng Australia sau đó đã không đưa ra lời xin lỗi cho bình luận nói trên của mình mà còn thẳng thắn chỉ trích Donald Trump là “ngu dốt, kinh khủng và hoàn toàn không thể chấp nhận được” vì những lời phát biểu của ông về phụ nữ và người Mexico.
Mặc dù ông Trump có những lời nói thất thường, bao gồm cả việc “mắng té tát” các đồng minh Mỹ vì đã hỗ trợ và thỉnh thoảng còn phân phối vũ khí hạt nhân tới châu Á, song ông Howard tin rằng nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump “sẽ vẫn bày tỏ sự tôn trọng đối với các đồng minh trọng tâm của Mỹ”. Bởi theo ông Howard, ứng viên đảng Cộng hòa này thực chất chưa bao giờ hứa hẹn sẽ rút quân khỏi NATO hay liên minh Mỹ - Australia.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.