Trung Quốc đi trước thế giới, chuẩn bị cho cuộc chiến tâm lý "hậu Covid-19"
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mac – Lenin Trung Quốc ngày 26/3, thời gian qua, công tác quản lý, khống chế dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc đã đạt được những thành quả to lớn, về xu hướng tổng thể đang tiến triển theo chiều hướng tốt, sơ bộ đã mang đặc trưng của giai đoạn “hậu Covid-19”. Trong giai đoạn này, tính trọng yếu của tâm lý phòng dịch càng thêm quan trọng hơn.
Đội ngũ y tế Thiên Tân "cứu viện" cho Vũ Hán đã hoàn thành nhiệm vụ và lên đường trở về. Nguồn: cssn.cn. |
Để đối phó với sự bùng phát đột ngột của dịch Covid-19, ngay từ đầu Chính phủ Trung Quốc đã xác định rõ: “Kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đây là một trường hợp khẩn cấp y tế công cộng có tốc độ lây lan nhanh nhất, phạm vi lây nhiễm rộng nhất và phòng ngừa, kiểm soát khó khăn nhất ở Trung Quốc. Đối với chúng tôi, đây là một cuộc khủng hoảng và là một thử thách lớn”. Do vậy, Trung Quốc đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đến nay đã đạt được những chiến thắng mang tính quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19.
Cùng với việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Trung Quốc cũng xác định, tâm lý phòng chống dịch bệnh là một mặt trận “vô hình” nhưng đặc biệt quan trọng. Nó phải được coi như “chiến tranh tâm lý” trong một cuộc chiến tranh quân sự hiện đại, cuộc chiến này sử dụng tâm lý con người làm mục tiêu và thông tin làm vũ khí.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lãnh đạo hoạt động đối phó với Covid-19. Nguồn: cssn.cn. |
Theo đó, cuộc chiến này phải có sự dẫn dắt tốt từ các cơ quan tuyên truyền để định hướng thái độ, ý chí, tình cảm và nhận thức của người dân theo hướng tích cực, từ đó đoàn kết toàn bộ xã hội, nâng cao tinh thần chiến đấu chống dịch. Không chỉ vậy, việc tuyên truyền tốt còn giúp cho nhân dân duy trì được sự hiểu biết đúng đắn về tình hình dịch bệnh, kiên quyết loại bỏ các tác động tiêu cực do “điểm mù” kỹ năng chống dịch tạo ra và củng cố tuyến phòng thủ tâm lý.
Sự hỗ trợ của Chính phủ đối với vấn đề này là đặc biệt quan trọng, chỉ có thông qua sự kết hợp hoàn hảo giữa “cuộc chiến bằng hành động” và “cuộc chiến bằng tâm lý” mới có thể nắm bắt toàn diện quyền chủ động trong cuộc chiến chống dịch với nền tảng là sự kết hợp giữa “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”.
Thành phố Thiên Tân sáng đèn cổ vũ Vũ Hán chống dịch. Nguồn: cssn.cn. |
Để tăng cường công tác tâm lý phòng dịch, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết sách, chỉ thị quan trọng như: Ngày 3/2, ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp định hướng và tư vấn tâm lý, làm tốt các biện pháp chăm sóc toàn dân mang tính nhân văn; ngày 2/3 tiếp tục ra chỉ thị mới yêu cầu chính quyền cơ sở các cấp phải đặc biệt coi trọng “sức khỏe tâm lý” và huy động tất cả các lực lượng để tăng cường tư vấn tâm lý về mọi mặt; ngày 10/3 yêu cầu, các địa phương tâm dịch, đặc biệt là thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc phải tăng cường tư vấn và can thiệp kịp thời các vấn đề tâm lý “lệch lạc” của nhân dân.
Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, khi Trung Quốc bước vào giai đoạn “hậu Covid”, công tác nâng cao tâm lý phòng chống dịch bệnh sẽ trở thành một “chiến trường” quan trọng. Về bản chất, sức mạnh tinh thần của tâm lý phòng chống dịch bệnh cũng là một lực lượng có tính vật chất, nó chính là “viên thuốc” hiệu quả nhất trong việc phòng chống và tiêu diệt dịch bệnh.
Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm thành phố Vũ Hán hôm 10/3. Nguồn: cssn.cn. |
Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu, tư vấn tâm lý của Trung Quốc, sự bùng phát của dịch Covid mang tính bất ngờ, tốc độ lan rộng, khó phòng ngừa, kiểm soát và tác hại của nó là rất lớn. Điều này tạo ra nhiều thách thức tâm lý đối với con người, về mặt khách quan, con người có nhiều mức độ cảm xúc tiêu cực khác nhau như hoảng loạn, lo lắng, trầm cảm, cô đơn, cáu kỉnh và buồn chán. Nếu những cảm xúc tiêu cực này không được điều chỉnh và giải phóng một cách hiệu quả, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến trật tự xã hội, từ đó gây nguy hiểm cho chất lượng phát triển kinh tế -xã hội và tổn hại đến lợi ích cơ bản của nhân dân.
Trong giai đoạn “hậu Covid”, Chính phủ cần nhanh chóng làm tốt các biện pháp chuẩn bị để chuyển trọng tâm từ “sinh lý” sang “tâm lý”, nghĩa là chuyển từ “an toàn cơ thể” sang “an toàn tâm lý”, điều này phù hợp với logic quản lý các sự cố an ninh y tế công cộng lớn. Nó cũng có lợi cho việc kiểm soát chất lượng của hệ thống hỗ trợ tâm lý nội bộ, cung cấp những kiến thức cần thiết để bổ sung những thiếu sót của hệ thống tăng cường sức khỏe cộng đồng, cải thiện khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh công tác tâm lý chống dịch "hậu Covid" trong chuyến thăm Vũ Hán vừa qua. Nguồn: cssn.cn. |
Ở giai đoạn “an toàn cơ thể”, trọng tâm là đảm bảo an toàn cho thể chất, sức khỏe của người dân. Còn giai đoạn “an toàn tâm lý”lại là giai đoạn “vô hình” nó cũng là một “chiến trường” mang tính thách thức và nhiều khó khăn, các biện pháp trong giai đoạn này là các biện pháp “vô hình” nhưng lại mang lại hiệu quả hoặc tác động “hữu hình”.
Do đó, trong giai đoạn này, cần phải nỗ lực dựa trên “tính khoa học” để giải quyết các vấn đề mang tính đặc thù của tâm lý phòng dịch, tính khoa học ở đây chủ yếu bao gồm hai khía cạnh: (1) Tôn trọng các quy luật khách quan của các hoạt động tâm lý phòng chống dịch bệnh; (2) Làm cho tầm quan trọng của tâm lý phòng chống dịch bệnh trở nên rõ ràng, thể chế hóa và bình thường hóa.
Do đó, việc nâng cao tâm lý phòng chống dịch bệnh ở giai đoạn “hậu dịch” phải được triển khai tổng thể, dựa trên các biện pháp mang tính khoa học, phù hợp và gần gũi với tâm lý của nhân dân, từ đó nâng cấp công tác tâm lý phòng chống dịch bệnh trở thành thể chế phòng chống dịch bệnh được toàn dân chấp nhận và thực hiện.