Trung Quốc đang 'mua cả thế giới'?
Chỉ cách đó 2 tuần, Tổng công ty lưới điện lớn nhất của Trung Quốc (State Grid Corporation of China - SGCC) đã chi tới 824 triệu USD để mua 19,99% cổ phần của công ty điện lực SP AusNET ở Australia. Chủ sở hữu mới của tập đoàn kinh doanh chuỗi rạp chiếu phim Mỹ, Wanda cũng là người Trung Quốc.
Một nhóm công ty Trung Quốc cũng vừa mua lại gần như toàn bộ cổ phần của Công ty cho thuê máy bay International Lease Finance thuộc Công ty bảo hiểm quốc tế Mỹ AIG để qua đó có quyền tiếp cận với mạng lưới hơn 200 hãng hàng không của 80 quốc gia.
Mặc dù, các khoản đầu tư ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc phải có sự cho phép của chính phủ, bởi vì đất nước này kiểm soát các dòng vốn di chuyển qua biên giới, nhưng đối với các lĩnh vực kinh doanh mà chính phủ đang ủng hộ như thực phẩm, công nghệ, tài nguyên thì điều đó không phải là vấn đề.
Trong thực tế, chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài như là một phần trong Chính sách Toàn cầu (Going Global policy) bắt đầu được tiến hành từ năm 2000.
Mục đích chính là tạo ra các công ty đa quốc gia, đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực quan trọng có thể hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Đa dạng hóa các khoản đầu tư sẽ giúp Trung Quốc có được những lợi ích kinh tế vĩ mô. Đó là lý do tại sao, đối với các công ty đáp ứng được những mục tiêu này, nhà nước Trung Quốc sẽ trợ cấp tài chính cho các thỏa thuận bằng cách sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối.
Một cách để tạo ra các công ty đa quốc gia là mua các công ty hiện có, đặc biệt là các thương hiệu đáng tin cậy, vì các công ty Trung Quốc hy vọng có được những lợi thế thương mại của các tên tuổi này.
Việc Tập đoàn Lenovo mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM, cũng như việc tập đoàn này sử dụng tên thương hiệu IBM trong 5 năm, nhằm khiến Lenovo ‘đồng nghĩa’ với một thương hiệu toàn cầu nổi tiếng về chất lượng, là một ví dụ nổi bật nhất về điều này.
Giá trị của niềm tin
Có lẽ không có lĩnh vực nào mà tầm quan trọng của thương hiệu và chất lượng lại rõ ràng hơn trong lĩnh vực thực phẩm.
Smithfield Foods Inc đã bị công ty chế biến thịt lợn Shuanghui International của Trung Quốc thâu tóm với giá 4,7 tỷ USD. |
Danh tiếng của Shuanghui đã bị ảnh hưởng khi các sản phẩm của nó bị phát hiện có hóa chất bị cấm. Shaun Rein, nhà sáng lập hãng nghiên cứu China Market Research nhận định Shuanghui có bước đi rất đúng đắn khi thương hiệu của họ hiện vẫn phải chịu ảnh hưởng xấu từ scandal dùng hóa chất tạo nạc năm 2011.
Thương hiệu thực phẩm Mỹ sẽ giúp họ gây dựng lại niềm tin với người tiêu dùng khi người dân vẫn sẵn sàng trả giá cao để mua được thực phẩm an toàn.
Điều này có thể giải thích tại sao công ty Trung Quốc này đã đề nghị mua lại với giá 34 USD một cổ phiếu của Shuanghui International, cao hơn một phần ba so với giá trị cổ phiếu đóng cửa ngày 28/5.
Tất nhiên, thịt lợn là món ăn chính của người Trung Quốc và đất nước này sẽ tiêu thụ nhiều thịt hơn khi trở lên giàu có hơn và tiềm năng tăng trưởng là khá lớn.
Mặc dù có những thương vụ thâu tóm lớn các công ty nước ngoài, nhưng lượng đầu tư từ nước ngoài vào Trung Quốc vẫn nhiều hơn lượng Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Dù vậy, những thương vụ lớn kiểu như vậy chắc chắn sẽ tiếp tục khiến nhiều người phải chú ý.
Cho đến nay, vụ thâu tóm lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài là thỏa thuận Tập đoàn Dầu khí quốc gia CNOOC mua lại công ty Nexen Ltd của Canada với giá 17,7 tỷ USD năm 2012.