Trung Quốc đang ‘giỡn mặt’ Mỹ ở châu Á?
Hải quân Mỹ tập trận trên Thái Bình Dương. |
Trong chuyến thăm các nước châu Á mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã phải nỗ lực để “xoa dịu nỗi lo ngại” của các nước đồng minh rằng việc cắt giảm 7% ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ có ảnh hưởng gần như không đáng kể đến khả năng bảo vệ đồng minh hay ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Trích dẫn lại tuyên bố và cam kết “tái cân bằng” của Tổng thống Obama với ưu tiên dành cho châu Á, ông Hagel đã khẳng định với các phóng viên rằng nước Mỹ sẽ “tiếp tục sử dụng mọi biện pháp để thực hiện cam kết của mình”.
Bên cạnh đó, ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, Mỹ sẽ nỗ lực để cải thiện mối quan hệ quân sự với Trung Quốc trong khi các đồng sự của ông tiết lộ kế hoạch Mỹ sẽ tăng số lính thủy đánh bộ ở căn cứ Darwin (Australia) lên 1.100 người từ mức 250 hiện nay.
Nhưng có lẽ những thông điệp mà Mỹ đưa ra vẫn không đủ để trấn an các đồng minh của mình trong khu vực. Số lượng lính thủy đánh bộ ở Australia không nói lên điều gì bởi kể cả khi Mỹ nâng lên mức tối đa là 2.500 binh sỹ như kế hoạch thì nó cũng chỉ hữu dụng khi xảy ra tranh chấp, đối đầu ở những vùng biển hẹp như eo biển Malacca, eo biển Sunda và Lombok… nơi kiểm soát các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng nối liền châu Á và châu Âu. Nhưng số lính thủy đánh bộ này sẽ chẳng giúp được gì trong trường hợp Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hay Việt Nam bởi khoảng cách từ Darwin đến những vùng đó là quá xa.
Trong thời gian tới, Mỹ đã mời được Trung Quốc tham gia vào một cuộc tập trận hải quân ở gần Hawaii – một phần trong những nỗ lực cải thiện mối quan hệ quân sự giữa 2 nước. Đây là cuộc tập trận có sự tham dự của cả Australia, Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đó là một tín hiệu tốt nhưng chuyên gia của Viện Hudson cho rằng sẽ là “ảo tưởng” nếu ai đó tin rằng thông qua cuộc tập trận có tính chất biểu dương lực lượng ấy, Mỹ sẽ dập tắt được tham vọng của Trung Quốc đối với vùng biển Tây Thái Bình Dương. Trái lại, từ vài năm nay, dù liên tục lên tiếng “kêu ca” về chính sách “Trục châu Á” của Mỹ nhưng Trung Quốc không hề giấu diếm tham vọng nuốt chửng các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Để thực hiện tham vọng này, Trung Quốc đã gây sự với các nước như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
Tham vọng này của Trung Quốc cũng đang được hỗ trợ rất đắc lực bởi chương trình hiện đại hóa quân đội mà Bắc Kinh đã âm thầm tiến hành mấy thập kỷ qua. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được công bố hồi tháng trước, Bắc Kinh đã liên tục xây dựng lực lượng tên lửa tầm trung và tầm xa của mình cùng với đó là các chương trình phát triển kho tên lửa chống hạm, tên lửa diệt vệ tinh và các khả năng phát động chiến tranh tấn công mạng Internet. Trung Quốc còn ráo riết cải thiện đội ngũ máy bay chiến đấu, xây dựng các hạm đội tàu ngầm tấn công và các thế hệ vũ khí hiện đại khác… vượt trội hoàn toàn so với các nước còn lại ở châu Á.
Để đối phó với những sự tăng cường quân sự này, nước Mỹ có gì? Đó là lực lượng hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương hiện chỉ có quy mô chưa bằng ½ so với thời điểm khi Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc (đầu những năm 1990). Kế hoạch đóng mới 306 chiến hạm mà hải quân Mỹ cho rằng “rất cần thiết để có thể hoàn thành những nhiệm vụ ở châu Á – Thái Bình Dương” đã bị tạm dừng do quốc hội Mỹ cho rằng đó là một kế hoạch “phi thực tế”.
Tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn khi mới đây, nghị sỹ đảng Cộng hòa Randy Forbes – Chủ tịch Ủy ban quân bị Hoa Kỳ, phụ trách mảng hải quân cho biết rằng: "Năm 2007, hải quân Mỹ có năng lực để thực hiện khoảng 90% số nhiệm vụ hay yêu cầu chiến đấu của quân đội nhưng đến năm 2013 này, họ chỉ còn có thể duy trì ở mức 51%”.
Sự chênh lệch trong việc đầu tư, cải thiện sức mạnh quân đội giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tiếp tục kể cả khi Mỹ “thực sự” thi hành chính sách tái cân bằng lực lượng ở Tây Thái Bình Dương. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sự chuyển hướng này rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột giữa 2 quyền lực hoặc tồi tệ hơn nữa là sự ra đời của một bản thỏa ước ngầm trong đó Mỹ sẽ công nhận sự thống trị của Trung Quốc ở châu Á. Chiến tranh là điều không ai muốn nhưng nếu bản thỏa ước ngầm kia ra đời, nó khẳng định rằng “thời của Mỹ” đã qua và nước Mỹ sẽ phải nhường lại ngôi vị siêu cường cho Trung Quốc trên các mặt trận quan trọng như kinh tế, thương mại và quân sự.
Theo Viện Hudson, trong lúc đó, ngân sách mà chính phủ Mỹ dành cho lực lượng hải quân nước này đã giảm từ mức 4,1% GDP (hồi năm 2001) xuống còn 2,5% GDP dưới thời Tổng thống Obama. Hệ quả là nếu hải quân Mỹ muốn duy trì được sự ảnh hưởng của mình ở Tây Thái Bình Dương, họ sẽ phải rút hoàn toàn lực lượng ở những khu vực chiến lược khác như vùng biển Carribe hay Vùng Vịnh. Đây là những nhiệm vụ bất khả thi.
Như tờ The Wall Street Journal bình luận, rõ ràng là Mỹ cần phải chú tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh ở châu Á nhưng chiến lược “tái cân bằng” cần có sức nặng trong khi đó “nước Mỹ lại đang trong quá trình giảm cân”.
Phải chăng đây là nguyên nhân giúp Trung Quốc có thể “giỡn mặt” nước Mỹ?