Trung Quốc đang đưa châu Á trở lại những năm 1930
Năm 1933, Nhật Bản rời Hội Quốc Liên sau khi bị kết tội xâm lược Mãn Châu. Hành động này được cho là đã thổi bay hy vọng của những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do rằng sự hợp tác toàn cầu sẽ dẫn đến một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở châu Á. Hành động này cũng kết thúc hàng thập kỷ toàn cầu hóa của Nhật Bản trong suốt thời kỳ Meiji và Taisho cũng như đặt Tokyo vào con đường đối đầu với các cường quốc phương Tây. Kết quả của hành động này là Chiến tranh Thái Bình Dương kéo dài từ năm 1937 đến 1945.
Liệu bây giờ điều tương tự có xảy ra với Trung Quốc? Phản ứng của Bắc Kinh cuối tuần trước sau khi phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài quốc tế ở Hague về vấn đề Biển Đông được đưa ra đã gợi nhắc lại hành động của Tokyo 85 năm trước, đó là từ chối nỗ lực của Hội Quốc Liên nhằm kiểm soát cuộc ganh đua sức mạnh ở châu Á.
![]() |
Thủ tướng Nhật Bản Makoto Saito tuyên bố Tokyo rút khỏi Hội Quốc Liên năm 1933. Nguồn: WSJ |
Năm 2013, Philippines đã kiện ra tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn chối bỏ phán quyết của tòa án cũng như không thèm tham gia vào quá trình tố tụng. Đây là một sai lầm.
Dù Bắc Kinh có quyền theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) chọn lựa một quyền sở hữu đặc điểm địa hình, song trường hợp này lại liên quan đến quyền hàng hải nảy sinh từ các đặc điểm địa hình đó. Quyết định của tòa án có tính ràng buộc đối với UNCLOS mà Trung Quốc đã tham gia ký kết.
Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng khu vực mà nước này có chủ quyền ở Biển Đông là các hòn đảo, từ đó kéo theo các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và một loạt quyền hành chính và xây dựng khác. Ngược lại, Tòa án lại coi mọi tuyên bố của Bắc Kinh là vô giá trị. Thay vào đó, Tòa trọng tài quốc tế kết luận rằng mọi loại địa hình trong khu vực này chỉ đơn giản là đá hoặc “bãi cạn lúc chìm lúc nổi”. Tòa án còn bác bỏ mọi chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc vẽ ra bằng tấm bản đồ “đường chín đoạn”.
Tuy nhiên, mặc dù phán quyết của tòa án đã làm rõ các vấn đề về luật pháp song nó lại không giải quyết được sự cạnh tranh về mặt địa chính trị trong trường hợp này. Trung Quốc đã nói rõ trước ngày đưa ra phán quyết rằng sẽ không để ý đến quyết định của tòa án nếu nó chống lại những lợi ích của nước này. Sự phản đối nhanh chóng và kịch liệt của Bắc Kinh trước phán quyết giờ được coi là chống lại cả cộng đồng quốc tế.
Mối nguy hiểm ở đây là Bắc Kinh ngày càng cảm thấy mình lẻ loi với phần còn lại của thế giới. Chính sách “thẳng tay” của Chủ tịch Tập Cận Bình làm dấy lên những câu hỏi về sự tự do trong xã hội Trung Quốc. Dường như sợi dây liên hệ giữa Trung Quốc và thế giới hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị đứt.
Thay vì hợp tác trong các lĩnh vực xuyên lục địa, Bắc Kinh có thể tăng cường các chính sách gây hấn và đe dọa những người láng giềng. Nếu như vậy, chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng sự phản đối với hành động của Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra một thời kỳ bất ổn và nguy hiểm ở châu Á.
Giờ đây tính hợp pháp của thể chế luật pháp toàn cầu sẽ bị thử thách bởi hành động của Trung Quốc trước phán quyết của tòa án. Bắc Kinh khẳng định “chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải ở Biển Đông của nước này sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết”. Trung Quốc sẽ làm gì để đòi quyền kiểm soát đối với những lợi ích đó?
Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục “quấy rối” và ngăn cản các tàu đánh cá của những quốc gia khác. Việt Nam từng cho rằng tàu Trung Quốc đã tấn công và đánh chìm một tàu cá của nước này tuần trước ở gần quần đảo Hoàng Sa.
Trong một động thái khiêu khích hơn nữa, Bắc Kinh còn cho biết sẽ “không bao giờ” ngừng xây dựng ở Biển Đông. Bắc Kinh có thể sẽ quyết định xây dựng các công trình quân sự hoặc một căn cứ quân sự ở bãi cạn Scarborough, tiếp tục các hoạt động chủ quyền gây tranh cãi ở quần đảo Trường Sa.
Với sự ủng hộ của luật pháp, những người hàng xóm của Trung Quốc có thể đáp trả lại một cách mạnh mẽ hơn. Khả năng xảy ra các cuộc đụng độ trên biển sẽ gia tăng. Tính tự tôn dân tộc của Trung Quốc sẽ khiến nước này không dễ dàng gì từ bỏ các lợi ích của mình dù có phải đi ngược lại với cả thế giới.
Phán quyết của tòa án cũng đặt ra áp lực đối với Mỹ về việc hỗ trợ nhiều hơn cho các đồng minh và đối tác trong khu vực. Washington có thể phải đối mặt với những yêu cầu về việc tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải hoặc phải giúp đỡ các nước ngăn chặn “sự lộng hành” của Bắc Kinh đối với các tàu cá nước ngoài. Điều này có nghĩa là cần có một chiến lược chặt chẽ để đảm bảo Trung Quốc không biến thành “người ngoài hành tinh” trong cộng đồng quốc tế.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.