Trung Quốc công bố luật biên giới mới giữa lúc căng thẳng với Ấn Độ
Trung Quốc thông qua bộ luật mới nhằm tăng cường an ninh biên giới đất liền giữa lúc căng thẳng với Ấn Độ chưa có hướng giải quyết.
Trung Quốc đã thông qua bộ luật mới nhằm tăng cường an ninh biên giới và cho phép thực hiện phong tỏa, sử dụng “thiết bị của cảnh sát và vũ khí” để chống lại những đối tượng vượt biên trái phép.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), luật biên giới đất liền mới được Trung Quốc thông qua trong phiên bế mạc cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc diễn ra vào ngày 23/10. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Quân đội Ấn Độ được triển khai tới bang Ladakh. (Ảnh: ANI) |
Trong đó, quân đội và cảnh sát Trung Quốc có nhiệm vụ canh giữ biên giới chống lại mọi hành động "xâm lược, lấn chiếm, xâm nhập và khiêu khích"
Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập cách đây 72 năm, Trung Quốc có luật riêng về cách quản lý 22.000 km biên giới trên bộ với 14 quốc gia bao gồm Nga, Triều Tiên và Ấn Độ.
Hiện tại, Trung Quốc đặc biệt quan ngại về nguy cơ các tay súng khủng bố từ Afghanistan di chuyển vào khu tự trị Tân Cương. Ngoài ra, nguy cơ xâm nhập dịch Covid-19 từ khu vực biên giới cũng là điều Trung Quốc muốn ngăn chặn.
Luật biên giới đất liền của Trung Quốc gồm 62 khoản thuộc 7 chương và được xây dựng để “quản lý, tăng cường, bảo vệ và ổn định an ninh biên giới”.
“Lực lượng hành pháp có thể sử dụng thiết bị của ảnh sát và vũ khí để ngăn chặn những người vượt biên trái phép, những đối tượng tấn công, chống cự khi bị bắt giữ hoặc có những hành động bạo lực gây nguy hiểm cho người và tài sản”, luật biên giới đất liền của Trung Quốc nhấn mạnh thêm, mọi máy bay không người lái (UAV), khí cầu, máy bay hạng nhẹ đều bị cấm hoạt động dọc các đường biên giới.
Ngoài tăng cường phòng thủ biên giới, bộ luật mới được Trung Quốc thông qua còn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực biên giới, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, cũng như hỗ trợ đời sống người dân vùng biên.
Bộ luật biên giới đất liền của Trung Quốc khẳng định dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau và tham vấn hữu nghị để xử lý vấn đề biên giới trên bộ với các nước láng giềng thông qua đàm phán.
Bộ luật mới được Trung Quốc thông qua trong bối cảnh Bắc Kinh và New Delhi vẫn chưa thể xoa dịu tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya. Kể từ sau vụ đụng độ ở thung lũng Galwan vào tháng 6/2020 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc thiệt mạng, quân đội hai nước đã có thêm động thái tăng cường quân và vũ khí tới sát biên giới.
Cách đây 2 tuần, các tướng chỉ huy quân đội Trung - Ấn cũng đã gặp thất bại trong vòng đàm phán thứ 13. Sau cuộc gặp, hai bên không ngừng đổ lỗi cho nhau làm cản trở tiến trình hòa giải. Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ đưa ra những yêu cầu vô lý, trong khi Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc không đưa ra được những biện pháp để cải thiện tình hình.
Dù cả Bắc Kinh và New Delhi đều cam kết sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới thông qua các biện pháp hòa bình. Nhưng hiện tại, hai bên vẫn bế tắc trong quá trình đàm phán dù đầu năm nay, quân đội Trung - Ấn đã đồng thuận rút quân khỏi một số vị trí bao gồm hàng ngàn binh sĩ được rút khỏi vùng Pangong Tso thuộc bang Ladakh trên dãy Himalaya.
Trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt ở vùng biên sắp đến, khả năng quân đội hai nước sẽ cho phong tỏa hoạt động. Song thời gian gần đây, hai bên liên tục cho củng cố cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh tập trận gần Đường Kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.488 km trên dãy Himalaya, nơi được xem là biên giới chia cắt lãnh thổ Trung - Ấn.
Trong cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa hai nước láng giềng trong 50 năm qua xảy ra vào tháng 6/2020 ở thung lũng Galwan, binh sĩ Trung - Ấn đã lao vào ẩu đả bằng tay không, cùng gậy và đá thay vì dùng súng hay thiết bị nổ. Nguyên nhân là do thỏa thuận được hai bên ký kết vào năm 1996 quy định rõ cấm binh sĩ Trung - Ấn bắn súng hoặc dùng thiết bị nổ trong phạm vi 2 km ở LAC.
Ông Gautam Bambawale, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc giai đoạn từ năm 2017 – 2018, hoạt động triển khai tăng cường binh sĩ và vũ khí gần đây của Trung - Ấn cho thấy “tình hình đang diễn biến nguy hiểm và có thể xuất hiện xung đột bất cứ lúc nào”.
“Dường như Trung Quốc không muốn rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng hiện tại. Đây sẽ là vấn đề tồn tại lâu đài và Ấn Độ sẽ cần dùng mọi phương pháp khéo léo để đối phó”, ông Bambawale nhận định.
Trung Quốc khoe 'cơ bắp' trước Ấn Độ gần vùng biên giới tranh chấp
Lực lượng quân sự Trung Quốc phụ trách giám sát an ninh gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ liên tiếp cho tiến hành tập trận và thử nghiệm vũ khí mới.
Minh Thu (lược dịch)