Trung Quốc có ý gì khi chặn tàu sân bay Mỹ đến Hong Kong?
“Chúng tôi mới được thông báo rằng lời đề nghị được neo đậu tại một bến cảng ở Hong Kong của tàu sân bay USS John C. Stennis và một số tàu đồng hành khác đã bị từ chối. Các tàu chiến Mỹ đã nhiều lần tới thăm Hong Kong thành công, bao gồm cả chuyến thăm mới nhất của tàu chỉ huy USS Blue Ridge, và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục các hành trình tương tự trong tương lai”, ông Urban cho biết.
Hiện chưa rõ tại sao tàu sân bay Stennis lại bị phía Trung Quốc từ chối. Phát ngôn viên Cơ quan An ninh Hong Kong từ chối đưa ra bình luận về quyết định trên, cho rằng chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong không đề cập đến chuyến viếng thăm nào của tàu chiến nước ngoài.
![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines bắt tay trên máy bay V-22 sau khi thăm tàu sân bay USS Stennis. |
Vụ việc này diễn ra chỉ hai tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tới thăm tàu Stennis khi tàu này neo đậu ở khu vực Biển Đông. Căng thẳng về vấn đề Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi Bắc Kinh không ngừng quân sự hóa và xây dựng các hòn đảo nhân tạo tại vùng biển tranh chấp.
Bộ trưởng Carter phát biểu trên tàu Stennis, cho biết: “Chúng tôi muốn giảm bớt căng thẳng nhưng chúng tôi cũng muốn tất cả mọi quốc gia trong khu vực có thể đứng lên và phát triển theo cách của riêng mình, bao gồm cả Philippines, một đồng minh lâu đời và thân thiết của Mỹ”.
Trước đó, Trung Quốc đã từng từ chối đề nghị cập cảng từ phía quân đội Mỹ. Năm 2007, tàu khu trục USS Reuben James lên kế hoạch tổ chức một kỳ nghỉ cho các thủy thủ đoàn vào cuối tháng 12 nhưng đã bị từ chối nhập cảnh. Cùng năm đó, Bắc Kinh cũng không cho phép tàu sân bay USS Kitty Hawk tới nghỉ lễ Tạ ơn ở Hong Kong. Tại thời điểm đó, quan hệ Mỹ - Trung đang có phần căng thẳng khi Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan.
Tàu sân bay Stennis, trọng tải 97.000 tấn, thuộc lớp Nimitz và các tàu chiến khác tới khu vực Biển Đông từ ngày 1/3 và luôn trong tầm giám sát chặt chẽ của hải quân Trung Quốc. “Chúng tôi luôn thấy các tàu Trung Quốc vây quanh mình. Đây là một hành động chưa từng có trong quá khứ”, đại úy Greg Huffman, sĩ quan chỉ huy tàu Stennis, cho biết.
Hải quân Mỹ khi đó cho biết sự hiện diện của nhóm tàu Stennis là một hoạt động triển khai thông thường. Tuy nhiên, theo như tuyên bố của Hạm đội 7 của Mỹ, các hoạt động này cũng mag một nhiệm vụ rộng lớn hơn.
Ví dụ như việc triển khai tàu khu trục mang tên lửa USS Curtis Wilbur hồi tháng 1 được Bộ Quốc phòng Mỹ miêu tả là để “thách thức các tuyên bố của Bắc Kinh sẽ hạn chế quyền lợi và tự do hàng hải của Mỹ và các quốc gia khác”.
“Hoạt động này là để cho thấy ý định của Tổng thống Obama và Bộ trưởng Carter rằng Mỹ sẽ đưa máy bay, tàu thuyền và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Điều này là hoàn toàn đúng đắn ở khu vực Biển Đông cũng như những nơi khác trên thế giới”, Lầu Năm Góc cho biết.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.