Trung Quốc: Chi 10 nghìn tỷ USD cho nhập khẩu
Vào thứ Hai (25/3), Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết có khả năng nước này sẽ cho phép nhập khẩu 10 nghìn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong vòng 5 năm tới như là một động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tờ Nhật báo Trung Quốc cho biết.
![]() |
Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cương |
Số tiền khổng lồ này không quá bất ngờ với Michael Silverstein – một đối tác lâu năm của Tập đoàn BCG ( Boston Consulting Group). Ông là đồng tác giả cuốn sách được xuất bản năm ngoái có tựa đề “Giải thưởng 10 nghìn tỷ USD: Sự hấp dẫn của những nhà giàu mới nổi Trung Quốc và Ấn Độ”. Những dự đoán của BCG trong cuốn sách cho rằng Trung Quốc sẽ chi số tiền khổng lồ này đến hết năm 2020. Tuy nhiên, quyết định của ông Lý đã khiến dự đoán này xảy ra sớm hơn 2 năm và kết thúc ở năm 2018.
“Chúng ta đang ở phần thứ ba hoặc thứ tư của câu chuyện phát triển tiêu dùng ở Trung Quốc”, Silverstein trả lời phỏng vấn của tạp chí Forbes, “Nhu cầu tiêu dùng sẽ khiến cho nguồn nước trở nên khan hiếm, lúa mì ở giá cao và các mặt hàng xa xỉ sẽ trở nên nhộn nhịp đông vui”.
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh cuối tuần qua, ông Lý Khắc Cường đã phát biểu rằng “Trung Quốc sẽ gia hạn chính sách mở cửa của mình. Đất nước cần phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong khi tiếp tục mở cửa thị trường trong nước”.
Người tiêu dùng chính là một phần lớn của tương lai Trung Quốc, là một phần trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 ( 2011 – 2015). Việc mở rộng tiêu thụ nội địa sẽ giúp cho quốc gia này dịch chuyển ra khỏi mô hình đẩy mạnh xuất khẩu và lao động giá rẻ trước đây.
![]() |
Trung Quốc mạnh tay chi cho nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa |
Trung Quốc đang phải đối mặt với 2 sự biến đổi chưa từng có, Tân Thủ tướng Lý Khắc Cường nói. Một là hoàn thành quá trình hiện đại hóa đất nước có dân số 1,3 tỷ người mà không hủy hoại môi trường, hai là sự phát triển đồng nghĩa với việc gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hiện nước này đang phải chật vật chiến đấu với cả hai khó khăn nói trên và gần như đều thất bại.
Điều này dẫn đến thử thách thứ hai là phải giải quyết và thực hiện các chính sách làm sao để tránh nảy sinh những vấn đề khác trong tương lai, đặc biệt là liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Cho đến nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất trên trái đất.
“Trong quá trình duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơ hội lớn, các thách thức phức tạp và nghiêm trọng”, ông Lý nói, “và chúng ta phải dựa vào tiêu dùng dài hạn ở trong nước cùng với quá trình đô thị hóa sẽ là một đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng”.
BCG dự báo từ nay đến năm 2020, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chi khoảng 41,5 nghìn tỷ USD với khoản chi hàng năm tăng từ 2 nghìn tỷ USD trong năm 2010 đến 6,2 nghìn tỷ USD, tăng gấp 3 lần.
Trẻ em ở Trung Quốc được sinh ra ngày hôm nay sẽ tiếp tục được sống trong một đất nước đang trên đường tiến bộ và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Họ sẽ tiêu thụ hàng hóa chủ yếu là thực phẩm, nơi ở, nhiều gấp 38 lần so với mức mà ông bà của họ đã sử dụng trước đây, Silverstein ước tính.