Trung Quốc: Chênh lệch giàu nghèo đứng hàng đầu thế giới
Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Trung tâm khảo sát và nghiên cứu tài chính gia đình Trung Quốc cho biết hệ số Gini – chỉ số thông dụng dùng để đo độ bất bình đẳng – của Trung Quốc vào năm 2010 là 0,61, cao hơn nhiều so với dự đoán của một số học viện rằng hệ số Gini của nước này đứng ở mức 0,4.
Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. |
Theo thang điểm của chỉ số Gini, 0 điểm là con số thể hiện sự bình đẳng tuyệt đối và 1 điểm thể hiện sự bất bình đẳng toàn diện.
“Hiện khoảng cách về thu nhập của các gia đình Trung Quốc đang vô cùng lớn. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có hệ số Gini 0,61”, Trung tâm khảo sát này cho biết.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng là một trong các mối lo ngại lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc do dư luận trong nước bất mãn có thể dẫn đến bất ổn xã hội tại quốc gia có 1,3 tỷ dân này.
Trong hơn 10 năm qua, chính quyền Trung Quốc không công bố hệ số Gini chính thức và giữ nguyên hệ số ở mức 0,412 của năm 2000.
Với hệ số Gini 0,61, Trung Quốc đứng đầu trong 16 quốc gia có hệ số Gini năm 2010 trên trang web Ngân hàng thế giới. Quốc gia có hệ số Gini cao nhất trong tổng số 47 quốc gia từng xuất hiện trên trang web này là Honduras với hệ số Gini năm 2008 là 0,613.
Hôm nay, tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã công bố kết quả khảo sát mới nhất và bình luận rằng khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc đã đạt tới mức “báo động”.
Tuy nhiên, trung tâm nghiên cứu là tác giả của cuộc khảo sát lại hạ thấp chính kết quả nghiên cứu của mình và nhận định rằng khoảng cách giàu nghèo lớn là hiện tượng bình thường trong các nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao.
Viện này kêu gọi chính phủ Trung Quốc sử dụng nguồn lực tài chính dồi dào của mình để trong ngắn hạn hỗ trợ những người dân thu nhập thấp đồng thời cải thiện giáo dục để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về lâu dài.
“Hệ số Gini rõ ràng đã cho thất tình trạng bất bình đẳng về thu nhập nghiêm trọng. Nhưng điều quan trọng hơn là cách diễn giải hệ số này. Con số đó không hẳn ám chỉ đến sự bất bình đẳng trong nền kinh tế Trung Quốc”, Gan Li, giám đốc trung tâm nghiên cứu và khảo sát, nhận xét và nói thêm rằng nguồn lực đổ về các khu vực phát triển hơn là điều bình thường.
“Không cần phải quá nghiêm trọng hóa vấn đề này”, ông này kết luận.