Trung Quốc "bình thản" khi Ấn Độ kết thân với Mỹ?
Chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Ấn Độ đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong mối quan hệ giữa Washington – New Delhi. Theo đó, lãnh đạo hai nước đã đồng thuận ký kết hợp tác trên một số lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, hạt nhân dân sự, biến đổi khí hậu và an ninh.
Thậm chí, một số nguồn tin cho rằng Ấn Độ đã đồng ý liên minh cùng Mỹ để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vậy liệu rằng Trung Quốc có lo lắng khi Mỹ - Ấn thắt chặt quan hệ hợp tác?
Chuyến thăm tới Ấn Độ gần đây của Tổng thống Obama được xem là nhằm bàn bạc với người đồng cấp Thủ tướng Modi về phương thức kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. |
Theo tờ Diplomat, trên thực tế, việc hâm nóng mối quan hệ Mỹ - Ấn sẽ không hề khiến Trung Quốc phải lo lắng bởi 3 lý do sau:
Thứ nhất, Ấn Độ luôn thi hành chính sách ngoại giao độc lập. Đây chính là rào cản khiến New Delhi khó có thể trở thành đồng minh với bất cứ cường quốc nào. Như trong cuốn sách mang tựa đề: "Wronged by Empire", Ấn Độ luôn có thái độ cẩn trọng trước khả năng bị biến thành vật hy sinh do những tác động từ chính sách ngoại giao. Cụ thể, Ấn Độ vẫn luôn cảnh giác và nghi ngờ về khả năng các cường quốc trên thế giới sẽ trở thành mối đe dọa tới nền độc lập và an ninh của nước này.
Do đó, dù sau chuyến thăm tới Ấn Độ, Tổng thống Obama có đạt được bao nhiêu thành công đàm phán đi nữa thì New Delhi vẫn không hoàn toàn tin tưởng nước Mỹ sẽ "toàn tâm toàn ý" giúp Ấn Độ cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Thủ tướng Modi cũng hiểu rõ rằng hiện thời, Mỹ - Ấn rất cần nhau và không mất mát gì khi nhận sự giúp đỡ từ Mỹ để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc.
Lý do thứ hai liên quan tới vấn đề kinh tế. Nói một cách đơn giản là Ấn Độ cần nguồn đầu tư của Trung Quốc để phát triển kinh tế nước nhà trong một thời gian dài. Chắc chắn, Ấn Độ không muốn bị xếp sau nền kinh tế Trung Quốc nhưng xét về lâu dài, không ai có thể thay thế vai trò của Bắc Kinh trong việc giúp New Delhi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Điển hình, Tổng thống Obama ra tuyên bố Mỹ sẽ đầu tư 4 tỷ USD cho Ấn Độ trong những năm sắp tới. Song, con số này là quá nhỏ so với mức 20 tỷ USD mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố đầu tư cho Ấn Độ trong chuyến thăm tới New Dehli hồi năm 2014. Trong khi đó, Ấn Độ cũng không có lý do gì để từ chối các khoản đầu tư từ những nước lớn trên thế giới.
Ngoài ra, dù đã giành được một số thắng lợi khi đi theo đường lối dân chủ, Ấn Độ vẫn cần phải học hỏi Trung Quốc rất nhiều đặc biệt là về mô hình phát triển kinh tế. Theo Diplomat, nếu Ấn Độ có thể học hỏi được những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc đồng thời tránh được những sai phạm trong quá trình phát triển kinh tế của Bắc Kinh, thì chắc chắn, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ phát triển của các nước châu Á.
Lý do cuối cùng, giới lãnh đạo Ấn Độ hiểu rằng sẽ chỉ là vô ích thậm chi là chuốc họa nếu New Delhi cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bởi thực tế, Trung Quốc đã và đang ngày càng lớn mạnh. Do dó, bất cứ kế hoạch nào nhằm kiềm chế Trung Quốc cũng sẽ chỉ dẫn tới những hậu quả khôn lường. Hay nói cách khác, mọi chiến lược kiềm chế không thể gây tổn thương cho những lợi ích của Trung Quốc mà chính những quốc gia khơi mào phải chịu tổn thất nặng nề. Chắn chắn, không một quốc gia nào chọn con đường tự đưa mình vào thế khó này.
Trong chuyến thăm tới Ấn Độ hồi năm 2014, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố đầu tư 20 tỷ USD cho Ấn Độ trong những năm tới. |
Điển hình, ngay cả khi Ấn Độ đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh với Việt Nam, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy New Delhi sẵn lòng can thiệp vào những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Thay vào đó, chiến lược hiện thời trên Biển Đông của Ấn Độ được xem như phản ứng của quốc gia này trước việc Trung Quốc đang tăng cường thâm nhập vào khu vực Ấn Độ Dương cũng như tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Pakistan – đối thủ lâu nay của New Delhi. Do đó, nếu Trung Quốc bớt quan tâm tới Ấn Độ Dương và Pakistan thì Ấn Độ cũng sẽ ngừng can thiệp vào tình hình trên Biển Đông.
Tóm lại, dù vẫn tồn tại những mặt khác biệt và tranh chấp, song giới lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc hiểu rõ về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước. Trong tương lai, họ vẫn sẽ duy trì mối quan hệ hữu hảo tốt đẹp.
Thực tế, vào tháng Năm tới, Thủ tướng Modi sẽ tới thăm Bắc Kinh để chứng minh rằng mối quan hệ giữa hai nước vẫn bền vững. Và khi Trung Quốc không coi Ấn Độ là mối đe dọa, thì New Delhi cũng sẽ nhìn nhận Bắc Kinh theo chiều hướng như vậy.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.