Trung Quốc: Bê bối quản lý khiến nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng
Hóa chất - nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm sông ngòi tại Trung Quốc |
Sự việc trên khiến người dân Trung Quốc không khỏi băn khoăn về chất lượng cuộc sống cũng như cung cách quản lý của chính phủ trong việc kiểm soát nạn ô nhiễm không khí và nguồn nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Mới đây, dư luận Trung Quốc không khỏi bức xúc trước việc sau 5 ngày xảy ra sự việc hàng loạt hóa chất gây ô nhiễm cho một con sông tại tỉnh Sơn Tây, chính quyền nước này mới thông báo cho người dân và giới truyền thông. Mặc dù, viên thị trưởng đã chính thức nói lời xin lỗi và các quan chức điều hành nhà máy hóa chất đã bị cách chức, song hậu quả là khôn lường vì hóa chất đã gây ô nhiễm cho nguồn nước uống của nhiều thành phố dưới vùng hạ lưu.
Theo số liệu thống kê chính thức, mỗi năm, Trung Quốc xảy ra khoảng 1.700 vụ việc liên quan tới ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, 40% sông ngòi tại quốc gia này đang trong tình trạng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi, các nguồn nước tự nhiên của Trung Quốc không chỉ ngày càng bị ô nhiễm mà chúng còn trở nên ngày càng khan hiếm.
Trong đó, thành phố Bắc Kinh là một trong những khu vực diễn ra cuộc tranh luận "gay gắt" nhất về chất lượng cũng như số lượng nguồn nước đang được cung cấp hàng ngày cho người dân.
"Trong số hơn 100 sông ngòi tại Bắc Kinh, chỉ có 2 - 3 con sông vẫn có thể dùng để cấp nước và là những con sông mà chính quyền thủ đô đang bảo vệ. Đây cũng là những con sông có thể được dùng để lấy nước. Số còn lại hoặc đã bị khô cạn hoặc bị ô nhiễm vì nước thải", bà Zhao Feihong – nhà nghiên cứu nguồn nước tại Hiệp hội Y tế Bắc Kinh chia sẻ.
Trong thời gian gần đây, bà Zhao cùng chồng – một nhà nghiên cứu nguồn nước đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông và cộng đồng mạng Trung Quốc sau khi thừa nhận trong 20 năm qua, họ không hề uống một giọt nước nào từ hệ thống cấp nước của thủ đô Bắc Kinh.
Câu chuyện của hai nhà khoa học đã thu hút sự chú ý của nhiều người trong bối cảnh lần đầu tiên, chính quyền thành phố Bắc Kinh công bố số liệu thống kê về chất lượng nguồn nước – vốn lâu nay được xem là "bí mật quốc gia".
"Thực tế, số liệu báo cáo sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về chất lượng nguồn nước mà họ uống. Song nếu chỉ dừng lại ở việc công khai số liệu là chưa đủ", bà Zhao nói.
Theo bà Zhao, ngoài việc báo cáo chất lượng nguồn nước theo định kỳ 3 tháng/lần, chính phủ Trung Quốc nên thông báo cho người dân ngay lập tức các biện pháp giải quyết trong trường hợp bất ngờ xảy ra sự việc gây ảnh hưởng tới nguồn nước uống.
Ngoài gia đình bà Zhao, ông Hao Yungang cũng trở thành một nhân vật nhận được sự quan tâm của dư luận về chất lượng nguồn nước tại thủ đô Bắc Kinh khi cho đăng tải trên trang mạng Weibo hình ảnh về các chất cặn bã lắng đọng trong vòi nước.
"Không ngờ, mọi người lại quan tâm tới vấn đề này nhiều đến vậy. Song trong xã hội hiện nay, tất cả mọi người đều kỳ vọng vào chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn từ nguồn nước, an toàn thực phẩm, nạn ô nhiễm và giao thông", ông Hao nói.
Giống như nhiều cư dân sinh sống tại thủ đô Bắc Kinh, ông Hao sử dụng nước máy để rửa chén bát và nước đã qua máy lọc để nấu ăn.
Ông Hao cho rằng giới chức chính phủ đã thành thật khi khẳng định nguồn nước uống tại Bắc Kinh là an toàn song những gì xảy ra trên đoạn đường từ nhà máy nước tới nhà dân lại là một vấn đề hoàn toàn khác.