Trung Quốc “bắt ép” Triều Tiên đàm phán hạt nhân
Khả năng Triều Tiên quyết định nối lại bàn đàm phán giải trừ hạt nhân do yêu cầu từ Trung Quốc |
Đại sứ cấp cao của chủ tịch Kim - Choe Ryong-hae đã có chuyến thăm tới Trung Quốc trong 3 ngày. Trong cuộc gặp mặt trước khi về nước hôm 24/5, ông Choe đã gửi tới chủ tịch Tập Cận Bình một bức thư viết tay của nhà lãnh đạo Kim.
Theo tờ China Daily, mặc dù nội dung bức thư không được Chính phủ Trung Quốc tiết lộ, song giới quan chức nước này nhận định Triều Tiên đã sẵn sàng “thực hiện những hành động tích cực nhằm giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại”.
Ông Choe cũng không đề cập chi tiết về thời gian và cung cách khởi động vòng đàm phán 6 bên. Trong đó, các cuộc đối thoại với sự góp mặt của Mỹ và Trung Quốc đã bị gián đoạn vào năm 2008 khi Bình Nhưỡng từ chối cho phép các quan sát viên hạt nhân quốc tế tới quốc gia cô lập làm việc.
Theo phân tích của giới quan sát, thực tế, Bình Nhưỡng không muốn quay trở lại bàn đàm phán bởi quốc gia này không muốn từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Mặc dù, một số người cho rằng hiện tại, năng lực chế tạo tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên chỉ có hạn song vẫn cần cảnh giác và “không nên coi thường”.
Theo Tân Hoa Xã, mục đích nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim gửi bức thư tới Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm “cải thiện, củng cố và phát triển” các mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Trong khi đó, đài truyền hình trung ương CCTV và tờ China Daily thông báo trong suốt buổi gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với đại sứ Choe rằng Triều Tiên cần “giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán”.
Yêu cầu của Chủ tịch nước Trung Quốc được đưa ra chỉ trước 2 tuần thực hiện lịch trình gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California.
Ngoài ra, trong một cuộc gặp khác, Thượng tướng quân đội Trung Quốc – Phạm Trường Long đã nói với đại sứ Choe rằng những căng thẳng quân sự gần đây “đang hủy hoại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.
Tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và Washington đã bất ngờ gia tăng trong năm nay sau khi Triều Tiên đe dọa tấn công quân sự nhằm vào Mỹ và quốc gia đồng minh – Hàn Quốc.
Đỉnh điểm của sự căng thẳng là khi Liên Hiệp Quốc thông qua các lệnh trừng phạt tăng cường với quốc gia cô lập sau vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng Hai của Triều Tiên cũng như các cuộc tập trận chung thường niên giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, những lời đe dọa tấn công của Triều Tiên đang có dấu hiệu lắng xuống và quân đội Mỹ - Hàn Quốc cũng đã kết thúc các cuộc tập trận chung vào cuối tháng Tư.
Ngay trong tháng Năm, Bình Nhưỡng đã cho phóng thử nghiệm 6 tên lửa tầm ngắn sau khi lên án mạnh mẽ sự xuất hiện của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ tại một khu cảng Hàn Quốc và tham gia các cuộc tập trận chung hải quân.