Trung Quốc - Ấn Độ có thể lại làm "láng giềng thân thiết" như xưa?
So với các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ có rất nhiều điểm tương đồng. Không chỉ là hai quốc gia châu Á có dân số đông nhất thế giới mà Trung - Ấn còn chia sẻ nền văn minh cổ đại cách đây 5.000 năm. Thậm chí trong thời kỳ hiện đại, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều trải qua giai đoạn bị nước ngoài xâm lược và cùng giành được độc lập vào cuối thập niên 40.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. |
Vì những điểm chung trên, hai quốc gia này đã nhanh chóng thắt chặt mối quan hệ và trở thành anh em của nhau. Trong đó, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận tính pháp lý của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như công nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Thậm chí, trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1954, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ là ông Jawaharlal Nehru đã cùng hai nhà lãnh đạo Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đưa ra tuyên bố chung "5 quy tắc cùng tồn tại hòa bình". Sau này, bộ quy tắc trở thành một trong những học thuyết ngoại giao hậu chiến tranh được nhiều người biết đến.
Hiện tại, hai quốc gia đang phát triển và có nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn nhất thế giới cùng có chung ý tưởng tái thiết trật tự thế giới mà Mỹ nắm giữ lâu nay. Gần đây nhất, Trung Quốc và Ấn Độ đã cùng chung tay bảo vệ quá trình toàn cầu hóa kinh tế trong bối cảnh phương Tây thi hành chính sách bảo hộ thương mại thông qua tư cách là thành viên không chỉ trong khối BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc đứng đầu mà còn trong giới lãnh đạo G20.
Tuy nhiên, những điểm chung giữa Trung - Ấn đang mờ nhạt dần khi hai cường quốc châu Á cạnh tranh ngôi vị số 1 trong khu vực.
Tình trạng căng thẳng tranh chấp biên giới gần đây giữa Trung Quốc đã phơi bày mối bất hòa kéo dài hàng thập niên qua giữa hai nước cũng như những nghi ngờ liên quan tới chính sách chiến lược của hai bên. Bên cạnh đó, mức độ căng thẳng trong việc tạo tầm ảnh hưởng ở cả trong khu vực và toàn cầu giữa Trung - Ấn cũng ngày càng gia tăng liên quan tới hàng loạt vấn đề bao gồm tranh chấp biên giới, Tây Tạng, thương mại, quân sự và địa chính trị.
Thêm vào đó, cả hai lực lượng quân sự trang bị vũ khí hạt nhân cũng đang đẩy mạnh hiện đại hóa năng lực quân đội với tham vọng xây dựng một trong những hạm đội biển xanh hùng mạnh nhất thế giới, sở hữu một hạm đội tàu sân bay chỉ đứng sau Mỹ.
Về phần mình, New Delhi xem sự hiện diện tăng cường của hải quân Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Biển Đông và Ấn Độ Dương là mối đe dọa an ninh lớn với quốc gia. Thậm chí, Ấn Độ còn vô cùng thất vọng trước việc Trung Quốc ngăn cản đề nghị của New Delhi về việc trở thành một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng ở Nepal và Bangladesh cùng kế hoạch mang tên "Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan" đã khiến Ấn Độ tin rằng, Trung Quốc có ý định bao vây quốc gia này.
Trong khi đó, Bắc Kinh xem việc New Delhi mở rộng quan hệ với Mỹ và Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy thái độ thù địch của Ấn Độ với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng thất vọng trước việc Ấn Độ từ chối tham gia sáng kiến "Một vành đai, một con đường". Ngoài ra, việc New Delhi đang đóng vai trò ngày càng tích cực trong các vấn đề liên quan tới khu vực Đông Nam Á mà cụ thể là lời kêu gọi tham gia hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông do Mỹ tiến hành, khiến Trung Quốc cảm thấy bất an. Về phần mình, Bắc Kinh xem hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông thách thức chủ quyền mà Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố ở vùng biển chiến lược này.
Trên phương diện địa lý, dãy Himalayas vốn được xem là đường biên giới tự nhiên giữa Trung - Ấn đã không thể cản trở hoạt động trao đổi giữa người dân hai nước trong hàng ngàn năm qua. Nhưng đây hiện là khu vực nhạy cảm an ninh nhất cũng như kéo theo bùng nổ căng thẳng ngoại giao liên tiếp giữa New Delhi và Bắc Kinh.