Trưng cầu dân ý gia nhập NATO: Sự huyễn hoặc của ông Poroshenko
![]() |
Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Vì sao ông Poroshenko cần trưng cầu dân ý gia nhập NATO?
Những ngày gần đây, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đưa ra một số tuyên bố “đao to búa lớn”. Thứ nhất, ông cho biết ý định sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Ukraine gia nhập NATO dù chưa có lời đề nghị nào từ phía Liên minh quân sự này. Thứ hai, người đứng đầu nhà nước Ukraine tuyên bố ủng hộ tích cực việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nhưng kèm theo một số điều kiện nhất định không có nhiều khả năng thực thi.
Phát ngôn của Tổng thống Ukraine về sự cần thiết phải thực hiện một cuộc trưng cầu gia nhập NATO được cho là một sự hão huyền. Thực chất của cuộc trưng cầu này nằm ở mục đích khác.
Hôm thứ Tư ngày 1/2 vừa qua trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Berliner Morgenrost của Đức, ông Poroshenko cho biết: "Bốn năm trước chỉ có 16% người dân ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên NATO, còn hiện nay con số này đã là 54%. Trên cương vị Tổng thống tôi sẽ hành động theo ý nguyện của người dân là tổ chức một cuộc trưng cầu về việc gia nhập NATO. Nếu người dân Ukraine ủng hộ, tôi sẽ cố gắng hết sức để Ukraine trở thành thành viên NATO".
Thêm vào đó, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn NATO vẫn chưa đón nhận Ukraine. Trước đó, nguyên Tổng thư ký NATO ông Anders Fogh Rasmussen cho biết Kiev sẽ phải mất một thời gian dài để đạt được các tiêu chí cho việc gia nhập liên minh quân sự này.
Ngoài ra, theo cơ quan báo chí của Liên minh "Ukraine hiện vẫn chưa nộp đơn gia nhập NATO. Nếu Ukraine quyết định tiến hành, chúng tôi sẽ đánh giá sự sẵn sàng gia nhập liên minh của nước này, cũng như tư cách của bất kỳ ứng cử viên khác. Hiện giờ các ưu tiên đối với Ukraine là tiến hành cải cách và hiện đại hóa".
Các chuyên gia đánh giá rằng phải mất đến 20 năm để đạt được các tiêu chí trên, và khung thời gian này rõ ràng nằm ngoài thời hạn cầm quyền của Tổng thống Poroshenko.
Bên cạnh đó, hôm thứ Năm ngày 2/2 tờ The Wall Street Journal dẫn một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết cuộc gặp gỡ của Liên minh với đại diện Ukraine về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu đã bị hoãn lại vô thời hạn.
![]() |
Cựu Thủ tướng Ukraine Timoshenko. |
Các nghị sĩ Ukraine và sự tham nhũng trắng trợn
Quốc hội Ukraine đang tan rã. Tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) ông Andrew Paruby đã phải sớm khép lại phiên họp thứ 5 bởi không thể tiến hành do thiếu đại biểu dự họp, chưa đến một nửa nghị sĩ có mặt tại phiên họp.
Liên minh cầm quyền gồm hai phe ủng hộ chính phủ là Khối Petro Poroshenko (BPP) và Mặt trận Nhân dân (NF) của ông Arseniy Yatsenyuk cũng đang trong tình trạng nửa vời.
Hôm 30/1, phát biểu trên kênh New One, lãnh đạo đảng Tổ quốc bà Yulia Tymoshenko nhận định: "Tất cả những người có lương tâm, những đại biểu của nhân dân đứng trong hàng ngũ BPP đều nhìn thấy tất cả những tham nhũng này bắt nguồn từ Khối Petro Poroshenko.
Ngày hôm nay Liên minh (tại Verkhovna Rada) đã không còn tồn tại nữa: số người tham gia ít hơn rất nhiều so với con số 226 đại biểu. Và theo Hiến pháp, Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội. Tất nhiên, điều duy nhất người đứng đầu quốc gia có thể làm hiện giờ là thông báo bầu cử quốc hội".
Tuy nhiên, bà Tymoshenko cho rằng ông Poroshenko sẽ không dám tổ chức bầu cử sớm, bởi theo lời Tổng thống thì đảng Mặt trận Nhân dân, Đảng BPP và chính bản thân ông Poroshenko "sẽ không bao giờ có đủ đa số phiếu để tiếp tục nắm quyền".
Ông Poroshenko dự định thông qua quy trình lấy phiếu tín nhiệm nhân dân, mà ông cho rằng 54% dân số ủng hộ việc gia nhập NATO sẽ ủng hộ ông. Tuy nhiên, tình hình chỉ ra rằng dù cho cuộc trưng cầu dân ý có đạt được những mục tiêu đề ra thì cũng chỉ vô nghĩa.
Cuộc trưng cầu không phải là mục tiêu mà là công cụ hỗ trợ cộng đồng cho phép ông Poroshenko một lần nữa đề cập về "sự thống nhất của Đảng và nhân dân". Và đây chính là khẩu hiệu làm tiền đề cho việc tham gia vào nhiệm kỳ thứ hai.
![]() |
NATO có mở rộng vòng tay đón Ukraine? |
Thử phản ứng của Phương Tây thông qua phép thử Avdeevka
Một vấn đề quan trọng nữa đối với các nhà chức trách Ukraine là cuộc chiến chưa có hồi kết tại Donbass và phản ứng của phương Tây đối với nó.
Sau sự thay đổi tình hình chính sách đối ngoại chủ yếu có liên quan đến chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua, Tổng thống Poroshenko đã quyết định thử phản ứng của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đối với việc tiếp tục chính sách chống lại Nga. Ông đã đề cập đến với đề này với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö tại Helsinki vào ngày 24/1 và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào ngày 30/1 vừa qua.
Tuy nhiên các đối tác phương Tây rất cẩn trọng trong việc ủng hộ mong muốn của ông Poroshenko, điều đó ám chỉ rõ ràng rằng ông này nên thực hiện các thỏa thuận hòa bình Minsk.
Đồng thời, Chính phủ Ukraine đã quyết định phương thức kiểm tra bằng cách tổ chức các hành động khiêu khích của các lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) trong cái gọi là "khu vực ATO"(chiến dịch chống khủng bố) và chuyển hướng tấn công sang khu vực Avdeevka.
Liên quan đến diễn biến này, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố rằng "đội quân của họ đang anh dũng tiến về phía trước từng bước mạnh mẽ và chuẩn xác". Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho rằng phát ngôn không chính thức đã xác nhận rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đang tiến hành các hành động tấn công, phá hoại thỏa thuận Minsk.
"Phép thử Avdeevka" do Kiev phát động thông qua Lực lượng vũ trang Ukraine thực ra chỉ là một thất bại chính trị của nước này. Một số phương tiện truyền thông phương Tây đã cáo buộc chính quyền Ukraine phá vỡ thỏa thuận Minsk và làm cho tình hình ở Donbass thêm căng thẳng. Ông Poroshenko và những người ủng hộ đã không thể kích động phương Tây chống Nga. Và rõ ràng việc thực hiện thỏa thuận Minsk là cần thiết.
Trong cuộc phỏng vấn cho tờ báo Đức Berliner Morgenrost, nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh: "Các vị có biết ai là người mong muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận nhất không? Đó là Tổng thống Poroshenko! Nhưng để làm được điều đó thì đầu tiên Nga phải rút toàn bộ quân đội ra khỏi lãnh thổ của chúng tôi để Ukraine có thể không phục lại sự thống nhất và chủ quyền của mình".
"Sự thống nhất và chủ quyền của Ukraine" không phụ thuộc vào Nga, nhưng việc thực hiện các thỏa thuận Minsk thì lại có. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine đã hai năm trôi qua vẫn không hoàn thành nghĩa vụ của mình. Chính vì thế mà Tổng thống Poroshenko đã không thể kiềm chế được những đối tượng chính của thỏa thuận Minsklà các đảng phái dân tộc và các phe nhóm ở Ukraine.