Trung - Ấn chuẩn bị ‘đại chiến’ tàu ngầm trên Ấn Độ Dương?
Tàu ngầm Trung Quốc nổi trên Ấn Độ Dương. |
Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ được xây dựng cùng với những thông tin được chia sẻ từ phía quân đội Mỹ cho biết, riêng trong năm 2012, tàu ngầm Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ nhau ít nhất 22 lần trên Ấn Độ Dương và vụ “chạm mặt” nhau mới đây nhất là xảy ra hồi tháng 2/2013.
Đây quả thực là một sự bất ngờ không hề dễ chịu đối với hải quân Ấn Độ bởi bấy lâu nay họ vẫn tin rằng chỉ có 2 lực lượng hải quân Mỹ và Ấn là có khả năng đảm bảo và duy trì các hoạt động trên vùng biển này. Nhưng sự xuất hiện của những kẻ lạ mặt “mang biểu tượng ngôi sao Bát Nhất” (biểu tượng của quân đội Trung Quốc) đã dấy lên những sự nghi ngại và giận dữ.
Giới truyền thông Ấn Độ cũng nhiều lần loan tin về sự hoạt động của một hạm đội tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc “ngày càng thường xuyên đột nhập vào vùng biển Ấn Độ Dương”.
Bản báo cáo có tên “Nhận diện những mối đe dọa đối với năng lực và tính sẵn sàng của hải quân ngầm Ấn Độ” còn cho rằng chính sự “tự do và tự tiện” tăng cường hoạt động của tàu ngầm ở Ấn Độ Dương là minh chứng cho thấy Trung Quốc đang rất khinh thường năng lực “kiểm soát tuyến đường biển đặc biệt nhạy cảm và giao thương quan trọng” này của hải quân Ấn. Thậm chí, quân đội Trung Quốc còn cho rằng hải quân Ấn Độ rất kém trong khả năng phát hiện những vật thể lạ dưới biển. “Sự tăng cường tuần tra và hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở vùng biển này hoàn toàn chồng lấn vào khu vực hoạt động và kiểm soát của hải quân Ấn Độ”, bản báo cáo kết luận.
Thông tin từ phía hải quân Mỹ cho biết, dường như hải quân Trung Quốc “chẳng coi ai ra gì” khi tự cho mình quyền được cử tàu ngầm đi tuần tra trên một vùng biển rộng kéo dài suốt từ mũi “Sừng châu Phi” đến tận eo biển Malacca và vùng bờ biển phía tây Australia.
Tờ India Today cho biết, một trong số 22 vụ đụng độ giữa tàu ngầm Ấn Độ và tàu ngầm Trung Quốc xảy ra hồi năm ngoái, có một vụ diễn ra ở cách đất liền Ấn Độ có 90km (vùng biển thuộc quần đảo Andaman và Nicobar), 6 vụ khác diễn ra ở phía tây bắc eo biển Malacca, 13 vụ ở phía nam Sri Lanka và 2 vụ trong vùng Biển A rập. Ấn Độ nghi ngờ, tất cả các tàu ngầm này đều thuộc hạm đội Nam Hải đóng quân ở đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Hồi tháng 5/2012, Trung Quốc tuyên bố họ đã triển khai tàu ngầm nguyên tử Type 094 tại căn cứ hải quân Yulin (Hải Nam) và coi đó là một phần trong chiến lược dài hạn của nước này ở Biển Đông. Chiếc tàu ngầm nguyên tử này được trang bị loại tên lửa đạn đạo JL-2 có khả năng phóng từ dưới nước.
Dù chưa có những va chạm hay căng thẳng nào nhưng rõ ràng số lần tàu ngầm Trung - Ấn đụng nhau ở Ấn Độ Dương trong năm 2012 thể hiện sự thay đổi rất đáng chú ý trong hoạt động của lực lượng hải quân Trung Quốc. Tình báo Mỹ cho biết, nếu như năm 2007, đội tàu ngầm gồm 50 chiếc của Trung Quốc chỉ tiến hành được 6 chuyến tuần tra dài ngày trên các vùng biển xa thì sang đến năm 2008, số chuyến đi biển đã tăng lên gấp đôi thành 12 và người ta tin rằng con số chuyến vươn khơi xa của tàu ngầm Trung Quốc trong năm 2012 chắc chắn phải nhiều hơn 22 lần chạm mặt tàu Ấn Độ và đa số (hoặc tất cả) các chuyến tuần tra này đều diễn ra trong khu vực Ấn Độ Dương
Những dấu hiệu về sự tăng cường hoạt động ngày một dày đặc của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương đã khiến Ấn Độ hết sức lo ngại. Bản báo cáo đã đặt ra nghi vấn: Phải chăng đây là một phần trong việc khởi động chương trình “bóp cổ” Ấn Độ của quân đội Trung Quốc?
Tàu ngầm nguyên tử Akula của Ấn Độ |
Đặc biệt hơn nữa, thời gian gần đây Trung Quốc đang rất tích cực xây dựng cơ sở vật chất cho cảng Gwadar của Pakistan, một địa điểm rất gần với biên giới Iran, cho thấy Trung Quốc có kế hoạch biến nó thành một căn cứ hải quân và là một địa điểm chiến lược nằm trong “chuỗi ngọc trai”. Nếu căn cứ này được thành lập, quân đội Trung Quốc sẽ có năng lực rất lớn trong việc kiểm soát và điều khiển tàu chiến của họ, phục vụ cho âm mưu “tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương” của nước này.
Thêm vào đó, dường như hải quân Trung Quốc đang tích cực xây dựng “năng lực do thám hàng hải” và có thể sử dụng tàu ngầm nguyên tử cùng với những vũ khí hiện đại nhất của họ như tên lửa chống hạm DF-21D để đe dọa Ấn Độ cũng như vị thế của nước này trong khu vực, bản báo cáo viết.
Đứng trước sự uy hiếp tiềm ẩn này của hải quân Trung Quốc, Ấn Độ cũng có những hành động chuẩn bị lực lượng và đáp trả khá mạnh mẽ.
Mới đây, Ấn Độ tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos phiên bản phóng từ tàu ngầm có thể mang đầu đạn hạt nhân và trở thành nước đầu tiên trên thế giới sở hữu năng lực này. Trước đây, Ấn Độ từng phóng thành công tên phiên bản tên lửa này từ chiến hạm và mặt đất dành cho hải quân và lục quân. Với lần thử nghiệm mới nhất, tên lửa BrahMos đã hoàn toàn sẵn sàng để lắp đặt vào các tàu ngầm với cấu trúc phóng theo chiều thẳng đứng, đưa các tàu ngầm này trở thành một trong những vũ khí mạnh nhất trên thế giới.
Dù Ấn Độ không tuyên bố rõ ràng nhưng các nhà phân tích quốc tế cho rằng, mục tiêu chính của việc trang bị tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân BrahMos cho tàu ngầm của Ấn Độ là để tăng cường khả năng khống chế eo biển Malacca . Nếu Ấn Độ có thể kiểm soát được eo biển này, họ hoàn toàn có thể khiến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ trong một thời gian ngắn vì thiếu năng lượng để hoạt động.
Tên lửa siêu thanh mang có thể đầu đạn hạt nhân BrahMos được phóng tứ tàu ngầm sẽ giúp Ấn Độ khống chế toàn bộ eo biển Mallacca |
Giới quân sự khẳng định, kể cả khi Trung Quốc xây dựng khá nhiều căn cứ hải quân để “bảo kê” cho các chuyến tàu chở dầu của họ từ Trung Đông về thì với tên lửa siêu thanh mới, hải quân Ấn Độ có thể khiến cả Trung Quốc hay Pakistan đều không thể có cách nào chống đỡ từ loạt đạn đầu. Đồng thời, với loại tên lửa mới này, Ấn Độ đã hoàn toàn qua mặt Trung Quốc bằng” bộ 3 sát thủ hạt nhân” với năng lực tấn công hạt nhân từ trên bộ, dưới biển và từ trên không (hải – lục – không quân).
Hải quân Ấn Độ còn tiết lộ thêm, trong năm 2013 này họ sẽ chính thức đưa vào hoạt động mẫu tàu ngầm nguyên tử hiện đại Arihant và sẽ tiếp tục đóng mới và đưa vào hoạt động thêm 3 chiếc tương tự từ nay đến năm 2025.
Những ngày tới, nước biển Ấn Độ Dương chắc chắn sẽ “nóng” hơn rất nhiều.