Trump sẽ không hủy trừng phạt Nga khi Crimea chưa được trả cho Ukraine
![]() |
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Đại diện chính thức của Nhà Trắng đồng thời là Thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Sean Spicer mới đây đã khẳng định rõ ràng lập trường của Washington về các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Hãng Reuters cho biết, tuyên bố trên được đưa ra trong tình thế các Thượng nghị sĩ Mỹ trình một dự luật nhằm ngăn cản quyết định của Tổng thống Trump về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại nước Nga.
Ông Spicer nhấn mạnh: "Tôi tin rằng đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Haley cũng đã thể hiện rõ quan điểm của chúng ta với cơ quan này. Các biện pháp trừng phạt sẽ không được hủy bỏ cho đến khi Nga rút khỏi Crimea".
Đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc bà Nikki Haley đã có bài phát biểu đầu tiên tại Hội đồng Bảo an vào tuần trước. Bà bày tỏ: "Các lệnh trừng phạt của chúng tôi liên quan đến Crimea sẽ có hiệu lực đến chừng nào Nga trả lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea cho Ukraine.
Thật đáng tiếc là trong bài phát biểu công khai đầu tiên của mình, tôi lại phải lên án những hành động quá khích tại Donbass. Chúng tôi thực sự mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow nhưng tình hình căng thẳng ở phía đông Ukraine đòi hỏi chúng tôi phải lên án các hành động của Nga một cách rõ ràng và mạnh mẽ".
Quan điểm của bà Haley cũng nhận được sự đồng tình của đại diện Vương quốc Anh là ông Matthew Rycroft. Về phần mình, đại diện thường trực của Nga ông Vitaly Churkin đã lần lượt đáp trả các đồng nghiệp của mình: đối với bà Haley ông nhắc lại kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea đã phản ánh rõ ý chí của người dân nơi đây, còn với ông Rycroft, đại sứ Nga đề cập đến các vùng lãnh thổ từng bị Anh thôn tính.
Trước đó vào hôm thứ Tư (ngày 8/2), sáu nghị sĩ Mỹ đứng đầu là thành viên đảng Cộng hòa Lindsey Graham - một thượng nghị sĩ đến từ Nam Carolina và nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ bang Maryland ông Ben Cardin đã đệ trình lên Thượng viện một dự luật nhằm thắt chặt kiểm soát Quốc hội dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và ngăn ngừa việc bãi bỏ lệnh trừng phạt Nga.
Dự luật yêu cầu Nhà Trắng phải giải trình chi tiết lý do bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, và trong vòng 120 ngày sau đó Quốc hội sẽ bỏ phiếu cho phép hay phản đối dự luật này. Việc soạn thảo tài liệu còn có sự tham gia của thành viên Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Marco Rubio, đảng viên Dân chủ Claire McCaskill tới từ bang Missouri, ông Sherrod Brown từ bang Ohio và đảng viên Cộng hòa John McCain, bang Arizona.
Theo ông Cardin, nếu Quốc hội không đồng tình với quyết định gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Moscow của ông Trump thì các thượng nghị sĩ và các đại biểu quốc hội "sẽ có cơ hội để hành động thay mặt cho cơ quan lập pháp", trong đó gồm có việc thông qua một nghị quyết chung ngăn việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Mỹ vẫn rất quan ngại về khả năng hồi phục quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moscow, nhất là sau cuộc tấn công mạng và tình hình ở Crimea. Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tin rằng luật pháp sẽ cho phép vô hiệu hóa nguy cơ bãi bỏ lệnh trừng phạt.
Cần nhắc lại rằng tháng 1 vừa qua, ông Trump đã ra điều kiện để hạ thấp mức trừng phạt là Nga phải cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, sau động thái này đã có nhiều thông tin về các dự thảo nghị quyết chính thức bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.