Trọn đời lính gắn mình với bán đảo Cam Ranh

Thật bất ngờ tôi được biết suốt 33 năm quân ngũ anh đã dành trọn đời lính gắn bó với bán đảo Cam Ranh, gắn bó với Sư đoàn Phòng không 377.
Về công tác tại Sư đoàn Phòng không 377 trong một ngày đầu tháng 5, ngồi bên bộ bàn ghế đá dưới tán cây xoài cổ thụ tại sân Phòng Chính trị, cái nắng oi ả đầu hè như dịu lại, tôi trò chuyện với Trung tá Nguyễn Văn Thăng, Trợ lý dân vận, chính sách, thật bất ngờ tôi được biết suốt 33 năm quân ngũ anh đã dành trọn đời lính gắn bó với bán đảo Cam Ranh, gắn bó với Sư đoàn Phòng không 377.
Trọn đời lính gắn mình với bán đảo Cam Ranh - ảnh 1

Đồng chí Thăng (người cầm cờ) khi là khẩu đội trưởng pháo 37mm năm 1980.

Anh Thăng tâm sự: Tháng 7 năm 1980, do yêu cầu phòng thủ đất nước, Lữ đoàn Phòng không 378 được thành lập làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Cam Ranh. Anh cùng với các đồng đội của mình là những tân binh từ quê hương Hà Nam Ninh và mọi miền trên đất nước đang tuổi mười tám, đôi mươi hăng hái lên đường nhập ngũ về xây dựng đơn vị. Cam Ranh ngày đó là vùng đất khắc nghiệt, mùa khô hạn với cái nắng như thiêu, như đốt kéo dài gần hết năm; nước ngọt là nỗi ám ảnh đi cả vào trong giấc ngủ, lại thêm môi trường bị ô nhiễm nặng bởi những đống rác khổng lồ của hơn 2 vạn quân Mỹ, ngụy để lại. Không chỉ trong bán đảo mà ngoài bán đảo bệnh tật cũng hoành hành.

Trọn đời lính gắn mình với bán đảo Cam Ranh - ảnh 2

Quân cảng Cam Ranh ngày nay

Đại đội 4, Trung đoàn 223 Pháo cao xạ của các anh đóng quân, xây dựng trận địa ở Núi Ké có độ cao hơn 60m so với mực nước biển (mãi đến năm 1985 nơi đây mới có điện). Đáng sợ nhất đối với người chiến sĩ là các căn bệnh sốt rét ác tính, sốt xuất huyết, viêm gan siêu vi trùng, thương hàn, một căn bệnh phổ biến mà hầu hết những chiến sĩ trẻ đều mắc phải là ghẻ lở toàn thân, đặc biệt là sưng nhọt trắng lên hai bàn tay, tuy không gây ra chết người nhưng bộ đội rất đau đớn, rất vất vả khi huấn luyện, lao động, đào đắp công sự, xây dựng doanh trại. Trong số đó đã có những người lính trẻ mắc bệnh, không được cấp cứu kịp thời đã phải vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này.

- Vậy ấn tượng sâu sắc nhất của anh trong những ngày đầu đóng quân trên bán đảo là gì? Tôi đặt câu hỏi.

- Tết anh ạ, cái Tết đầu tiên.
Giọng nói của anh Thăng bỗng trở nên sôi nổi, dường như câu hỏi của tôi đã đưa anh trở về một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và cống hiến. Anh vui vẻ kể: Hết thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, huấn luyện binh chủng cũng là lúc mùa xuân mới ập về. Xuân về, Tết đến là niềm vui của nhiều người nhưng đối với những người lính trẻ các anh ngập tràn trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Bữa cơm hằng ngày độn mỳ, độn bo bo ăn với cá biển, muối vừng, mắm tôm khô khiến chúng tôi thèm hương vị miếng bánh chưng quê nhà, thèm được ăn một miếng thịt lợn thái dày bản…

Trọn đời lính gắn mình với bán đảo Cam Ranh - ảnh 3

Đồng chí Thăng (người thứ 3 từ trái sang) trong lần đi tặng quà đồng bào bị lũ lụt năm 2011.

Nhưng sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy lữ đoàn và đội ngũ cán bộ các cấp đã mang đến cho anh và đồng đội mùa xuân đầu tiên, một mùa xuân ấm áp đầy đủ các hương vị quê nhà. Chiều 27 Tết, đồng chí Đại đội trưởng thông báo: Để đảm bảo cho bộ đội vui Tết, đón Xuân, chỉ huy Tiểu đoàn quyết định:

- Trong 3 ngày Tết bộ đội được ăn cơm, không phải ăn bột mỳ hoặc bo bo. Chiều 30 Tết bộ đội được ăn thịt nhiều hơn. Ngày Mồng Một Tết không để bộ đội phải ăn mắm tôm và muối vừng, mỗi đồng chí được phát một điếu thuốc lá Mai.

- Mỗi trung đội, khẩu đội đều phải có bàn thờ Tổ quốc, có hương hoa, có ảnh Bác Hồ. Cấp cho mỗi trung đội một bộ tú-lơ-khơ để anh em chơi trong 3 ngày Tết.

- Mỗi đơn vị phải ra được một tờ báo tường tham gia thi với các đơn vị trong toàn Lữ đoàn với chủ đề "Mừng Đảng - Mừng Xuân" thi đua hoàn thành nhiệm vụ .

Sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã có tác dụng rất tốt, tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi ngay khi mùa xuân mới vừa về trên bán đảo. Sức sáng tạo của người chiến sĩ thật tuyệt vời. Giữa vùng bán đảo vắng vẻ, trong những ngôi nhà được dựng tạm toàn bằng ghi được tháo từ đường băng sân bay dã chiến, lợp tôn nhưng với phương châm "nhà tạm nhưng tư tưởng không tạm", bàn tay tài hoa của người chiến sĩ tạo nên một khung cảnh đầm ấm, tươi vui và rực rỡ. Nơi nào cũng có hoa, có ảnh Bác Hồ và rất nhiều tranh ảnh cắt ra từ các quyển họa báo. Hoa thì đủ loại, nhiều nhất là hoa mai rừng. Còn báo tường, tất cả những tâm sự của những người lính trẻ được gửi vào đó. Anh Thăng nhớ nhất bài thơ mà đã lâu quá rồi anh không nhớ chính xác họ tên của đồng đội.

"Tết về có món chả nem

Kỳ nhông băm nhỏ rán kèm bánh đa

Món ăn đặc sản quê nhà

Tết về bán đảo thật là vui tươi"

Mặc dù bài thơ chỉ vẻn vẹn có 4 câu thôi nhưng đã thể hiện tinh thần tràn đầy lạc quan cách mạng của người lính pháo cao xạ trên bán đảo Cam Ranh ngày đó. Với tinh thần lạc quan cách mạng và nhiệt huyết tuổi trẻ, những người lính trẻ đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong những ngày đầu tiên đứng chân trên mảnh đất này.

Đại tá Phan Thanh Ngợi, Chính ủy Sư đoàn cho tôi biết thêm về đặc điểm đơn vị. Quân cảng Cam Ranh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, do vậy trong suốt trong những năm kháng chiến chống Mỹ cho đến những năm cuối thế kỷ 20, do đặc thù của một khu vực có căn cứ quân sự quan trọng nên tình hình kinh tế-xã hội của Cam Ranh không thật sự phát triển. Gắn bó với mảnh đất Cam Ranh, Sư đoàn Phòng không 377 trở thành một trong những đơn vị khó khăn nhất của Quân chủng Phòng không-Không quân, suốt 33 năm đóng quân trên mảnh đất này gần như không có một cán bộ nào từ nơi khác xin về Sư đoàn, mà chỉ có cán bộ ở đơn vị xin chuyển công tác đi nơi khác. Học viên các trường sĩ quan khi ra trường rất ngại khi về nhận công tác tại Sư đoàn Phòng không 377. Chính vì vậy tình trạng thiếu cán bộ đã trở thành căn bệnh “mãn tính” của Sư đoàn.

- Vậy có lúc nào anh muốn xin chuyển đơn vị công tác không? Tôi đặt tiếp một câu hỏi.

- Không anh ạ!
Anh Thăng nhỏ nhẹ, cả một thời trai trẻ của tôi gắn bó với mảnh đất này. Cam Ranh tuy là vùng đất khó khăn, nhưng cũng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, dành cho tôi nhiều thứ, tôi đã xây dựng gia đình với một người con gái ở mảnh đất này, Sư đoàn cũng đã cấp đất cho tôi tại khu gia đình của đơn vị. Cuộc sống của vợ chồng tôi tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng cũng ổn định hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa ở quê, cháu lớn của tôi cũng đã tốt nghiệp ra trường và công tác tại lực lượng công an của tỉnh Khánh Hòa, còn ngày nào trong quân ngũ là tôi còn gắn bó và cống hiến hết sức mình xây dựng Sư đoàn.

Một tâm sự rất mộc mạc, giản đơn như tính cách của đất và người Cam Ranh. Cùng nhập ngũ với anh ngày đó, nhiều đồng đội của anh đã xuất ngũ trở về địa phương, những người ở lại thì đều đã xin chuyển vùng công tác hoặc phát triển lên những vị trí cao hơn, còn anh vẫn vậy. Sau 13 năm làm Phó tiểu đoàn trưởng về Chính trị và Chính trị viên của các tiểu đoàn, năm 2006 anh được điều chuyển công tác về Phòng Chính trị làm Trợ lý Dân vận - Chính sách. Nếu như ở các Sư đoàn khác, bộ phận Dân vận - Chính sách luôn có 2 người hoặc nhiều hơn thì ở Sư đoàn Phòng không 377 do đặc thù thiếu cán bộ nên chỉ có một mình anh đảm nhiệm từ đó tới nay. Không quản ngại khó khăn, vất vả, anh luôn bám sát chức trách, nhiệm vụ, kịp thời tham mưu, đề xuất các nội dung công tác chuyên môn giúp Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn Phòng không 377 triển khai các nội dung công tác Dân vận - Chính sách kịp thời và đạt hiệu quả cao. Anh cùng đồng đội lăn lộn trong nắng gió Tuy Phong, Bình Thuận xây dựng nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ Lê Thị Hường; dấu chân anh đã vượt qua những con suối đục ngầu, cuồn cuộn nước lũ đến với đồng bào dân tộc Rắc lây của hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa trong những trận lũ lịch sử năm 2009, 2010 cấp gạo của đơn vị kịp thời cứu đói đồng bào trong cơn khốn khó. Hình ảnh của anh đã trở lên rất gần gũi, thân thương đối với bà con dân tộc xã miền núi Sơn Tân, huyện Cam Lâm - xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Khánh Hòa, địa phương được Sư đoàn Phòng không 377 đỡ đầu trong phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới"... Do có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận, anh Thăng đã được Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân tặng Bằng khen, được Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng Khen “Dân vận khéo” hai năm 2009-2010.

- Suốt những năm tháng của đời quân ngũ, tôi gắn bó với Sư đoàn Phòng không 377, chứng kiến bao sự đổi thay của đơn vị. Doanh trại, trận địa nay đã khang trang, sạch đẹp, đời sống của cán bộ, chiến sĩ được đảm bảo tốt hơn rất nhiều. 33 năm đã trôi qua, mới ngày nào còn là anh lính binh nhì, bây giờ đã được Quân đội, đơn vị chuẩn bị cho về nghỉ hưu, trong lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về những năm tháng đầu tiên của những người lính pháo cao xạ trên bán đảo Cam Ranh và nếu được quay trở lại thời tuổi trẻ tôi vẫn muốn được làm người chiến sĩ gắn bó với Sư đoàn.

Tôi nhìn vào mắt anh Thăng và cảm nhận được niềm xúc động như đang dâng trào trong anh, người chiến sĩ thế hệ đầu tiên và duy nhất còn lại gắn bó với Sư đoàn suốt từ năm 1980 khi Sư đoàn lần đầu đặt chân làm nhiệm vụ trên mảnh đất này. Không nói nhiều về mình nhưng ở anh luôn toát lên sự chân thật, mộc mạc trong cuộc sống và sôi nổi, nhiệt tình trong công việc. Tiếng loa truyền thanh của Sư đoàn Phòng không 377 bỗng vang vọng câu hát… “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai, xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người…rạng rỡ như rừng mai nở ngày xuân”.

 Theo NGỌC VŨ (Quân đội nhân dân)

Khoảnh khắc lính dù Nga bắn hạ UAV 'khủng' của Ukraine

Một lính dù Nga đã tìm được cách dùng súng ngắn bắn hạ thành công một máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ của Ukraine.

Video Nga công phá 2 hệ thống tên lửa Mỹ ở tây nam Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video quay cảnh quân đội nước này tấn công, phá hủy 2 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo ở vùng Odessa, tây nam Ukraine.

Dàn tên lửa hiện đại của Nga trở thành ‘khắc tinh’ của F-16 ở Ukraine

Dàn tiêm kích F-16 mà các nước NATO hứa chuyển cho Ukraine sẽ bị các tên lửa hiện đại của Nga săn lùng, và tiêu diệt giống như cuộc tấn công đã phá hủy 5 chiếc Su-27 gần đây.

Nga hé lộ phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không tầm ngắn Komar

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Komar của Nga cung cấp khả năng phòng thủ tầm ngắn cho tàu chiến nhỏ và tàu hỗ trợ có lượng giãn nước lên tới 50 tấn.

Nga lần đầu ra mắt xuồng không người lái tại triển lãm quốc phòng

Nga vừa ra mắt xuồng không người lái “Vizir”, “Orkan”, “BEK-1000” tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế FLEET-2024.

Video UAV Nga phóng lưới 'tóm gọn' UAV của Ukraine

Quân đội Nga đã triển khai loại máy bay không người lái (UAV) mang tên Setkomet có khả năng phóng lưới để "bắt" các UAV của Ukraine.

FPV Nga truy đuổi, hạ gục xe tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine trong đêm

Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga kể lại vụ truy đuổi, tấn công phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine vào ban đêm.

Video lữ đoàn biệt kích Ukraine vô hiệu hóa xe tăng ‘mai rùa’ Nga bằng UAV

Chỉ với những chiếc UAV cảm tử, Lữ đoàn biệt kích biệt lập số 71 Ukraine đã khiến xe tăng ‘mai rùa’ của Nga hư hại nặng.

Video Ukraine phóng tên lửa nước ngoài, phá hủy S-400 của Nga ở Donetsk

Quân đội Ukraine đã phóng tên lửa đạn đạo ATACMS, phá hủy hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga ở khu vực Donetsk.

Video HIMARS Ukraine bắn nổ pháo ‘cuồng phong’ Nga

Đòn tấn công của hệ thống HIMARS Ukraine ngay lập tức tạo ra vụ cháy lớn cho pháo BM-27 Uragan Nga, trước khi vụ nổ thứ cấp phá hủy khí tài này.

Đang cập nhật dữ liệu !