Trò chuyện độc quyền với bác sĩ Lương sau sự cố chạy thận tại BVĐK Hòa Bình
Bác sĩ Lương và con gái thứ hai của anh. Ảnh chụp vào tháng 7/2017 |
Bác sĩ Hoàng Công Lương, bác sĩ trẻ thuộc Khoa hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, nơi đã xẩy ra sự cố chạy thận 8 người tử vong. Mặc dù bị tạm giam nhưng dư luận đã ủng hộ bác sĩ Lương tại ngoại.
Xin chào bác sĩ Lương, nhân ngày 27/2, chúc anh luôn mạnh khoẻ và thành công với nhiều dự định trong công việc của năm mới. Ngày 27/2 năm nay, cảm xúc của anh thế nào?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Chào bạn, thực ra năm nay ngày Thầy thuốc Việt Nam cảm xúc của tôi vẫn như mọi năm. Chúng tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp và sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cũng như của các bệnh nhân.
Tuy nhiên, như bạn biết đấy năm nay tôi có cái đặc biệt hơn là tôi được đi làm trở lại sau gần 5 tháng ở nhà. Lúc phải ở nhà, tôi thực sự buồn vì mình muốn cống hiến mà không được cống hiến. Tôi sợ tay nghề của mình thui chột vì lâu không làm việc. Nghề y mà (cười) nếu chỉ một thời gian bạn không cập nhật sẽ quên ngay.
Tôi thấy “kỳ nghỉ hè” của mình dài quá. May mắn, tôi làm đơn xin đi làm trở lại và gửi ban lãnh đạo Bệnh viện, phòng tổ chức và được Sở Y tế tạo điều kiện, từ tháng 11/2017 tôi quay lại khoa Hồi sức tích cực làm và được làm đúng công việc tôi yêu thích và đã được học. Tôi vui lắm, cảm xúc như mới ngày hôm qua thôi.
Nhân ngày 27/2, ngày của ngành y tế cả nước, tôi muốn qua bạn gửi lời chúc tới tất cả các Thầy, các đồng nghiệp của mình cũng như cộng đồng đã ủng hộ tôi trong năm qua lời chúc tốt lành nhất. Chúc những đồng nghiệp của tôi luôn may mắn trong nghề nghiệp, các bệnh nhân của họ đều được điều trị khỏi và ra viện.
Về cá nhân mình, anh có ước mơ gì cho nghề nghiệp của mình không?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Tôi chỉ có mong ước đó là các bệnh nhân của tôi đều được khoẻ mạnh ra viện. Đó là mong ước cháy bỏng của bất cứ bác sĩ nào.
Tôi làm ở chuyên môn hồi sức cấp cứu áp lực rất lớn, nhiều bệnh nhân nặng, bệnh nhân mãn tính. Tôi nghĩ lúc đó mình không chỉ là bác sĩ ra y lệnh mà còn là một chuyên gia tâm lý để làm thế nào mà bệnh nhân có thể sống chung với bệnh tật bởi các bệnh nhân trong khoa đa phần là mãn tính. Nếu họ không hiểu về bệnh của mình thì rất khó cho bác sĩ.
Tôi chỉ mong ước thế. Tôi yêu chuyên ngành hồi sức cấp cứu và tôi luôn thấy mình may mắn vì được quay trở lại công việc cũ trước tôi đã làm.
Khi tôi quay trở lại làm việc, đồng nghiệp, lãnh đạo bệnh viện ai cũng tạo điều kiện, thực sự là rất vui và có thêm mong ước bệnh nhân khoẻ mạnh ra viện như trên nữa thì tuyệt nhất.
BS. Hoàng Công Lương trở lại làm việc chuyên môn sau sự cố chạy thận nhân tạo ở BVĐK Hòa Bình. |
Bác sĩ hồi sức tích cực rất áp lực và vất vả, anh nghĩ mình có nên chuyển sang chuyên ngành nào đó “an toàn” hơn không?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Đúng là hồi sức tích cực rất áp lực. Nhiều bác sĩ không trụ được ngay cả các bác sĩ nam như mình nếu gia đình, vợ con không thông cảm thì rất khó có thể theo đuổi được nghề. Nhưng mình đã chọn nó nên mình không nghĩ sẽ thay đổi công việc mà ngày càng cập nhật kiến thức mới để có thể chăm sóc, điều trị cho người bệnh tốt hơn.
Gần đây, ngành y xảy ra nhiều vụ bạo hành y tế, là bác sĩ hồi sức nguy cơ tấn công càng cao, anh có ái ngại về câu chuyện hành hung nhân viên y tế không?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Chuyện bạo hành y tế đúng là gần đây gây bức xúc cho dư luận nhất là trong ngành y. Tôi cũng như các bác sĩ khác đều không mong muốn.
Ở chuyên ngành hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu đối diện với bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nhân phức tạp có lúc bác sĩ cũng cảm thấy không thể phục vụ hết được người bệnh. Khi đó, chúng tôi phải phân loại người bệnh ưu tiên bệnh nhân nặng trước và giải thích cho người nhà hiểu.
Việc giải thích rất khó làm sao mà người nhà bệnh nhân an tâm về bệnh tật và tin tưởng bác sĩ nhưng tôi tin mình và các đồng nghiệp đều làm được, tôi mong câu chuyện hành hung nhân viên y tế ngày càng ít đi để chúng tôi yên tâm làm việc.
Vâng xin cảm ơn bác sĩ!