Triều Tiên trá hình thử nghiệm vũ khí hạt nhân cho Iran?
Mặc dù, xét về mặt địa lý, văn hóa, lịch sử và bộ máy cầm quyền thì Iran và Triều Tiên hoàn toàn khác biệt. Song, cả Tehran và Bình Nhưỡng đều có chung một kẻ thù là Mỹ.
Theo tạp chí Diplomat, ít ai có thể chắc chắn về mối quan hệ hợp tác hạt nhân giữa Triều Tiên và Iran mặc dù hai quốc gia này hiện đang hợp tác trên lĩnh vực công nghệ tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên bị tình nghi trá hình thử nghiệm hạt nhân để thử vũ khí cho Iran |
Trong khi, nhiều người cho rằng Iran đang tiếp nhận nguồn hỗ trợ hạt nhân quan trọng từ phía Triều Tiên. Số khác nhận định thực chất, các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên chỉ là hình thức trá hình để thử vũ khí hạt nhân cho Iran. Phương thức này tương tự như cách Nam Phi cho phép Israel thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia. Thậm chí, một số nhà khoa học Iran cũng từng xuất hiện trong các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, dựa trên các nguồn tin tình báo, bản báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ (CRS) nhấn mạnh: "Không một bằng chứng công khai nào xác nhận việc Iran và Triều Tiên tham gia hợp tác hay giao thương trong lĩnh vực hạt nhân với nhau".
Xung quanh những nghi vấn liên quan tới chương trình hợp tác hạt nhân và tên lửa đạn đạo giữa Iran, Triều Tiên và Syria, CRS cho biết: "Mặc dù những nguồn tin không chính thức cáo buộc 3 quốc gia này hợp tác chặt chẽ trong chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, song thông tin này lại thiếu những đánh giá chính thức đáng tin cậy bởi họ chỉ dẫn lại lời phát biểu của các quan chức chính phủ giấu tên, khiến người khác nghi ngờ".
Bản báo cáo của CRS nói thêm rằng giới chức Mỹ đã nhiều lần mập mờ phủ nhận mối quan hệ hợp tác hạt nhân giữa Iran và Triều Tiên song tiết lộ Bình Nhưỡng đã hỗ trợ công nghệ hạt nhân cho nhiều quốc gia như Syria. Ngoài ra, Iran và Triều Tiên cũng đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tên lửa đạn đạo. Đây chính là lý do tại sao Mỹ sẽ không dám khẳng định chắc chắn Iran và Triều Tiên hợp tác hạt nhân nếu như họ chưa nắm trong tay bằng chứng xác thực về thông tin trên.
Theo đánh giá của Diplomat, có đủ lý do để chứng minh Iran và Triều Tiên không hợp tác hạt nhân với nhau. Trong khi nguồn vật liệu phân hạch nằm trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên chủ yếu từ quá trình tái chế plutonium. Còn nguồn vật liệu phân hạch của Iran lại tới từ quá trình làm giàu uranium. Hiện nay, Iran cũng không sở hữu hay lên kế hoạch xây dựng bất cứ một nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân. Ngoài ta, Iran cũng không có lò phản ứng nước nặng.
Cũng theo Dilopmat, trong những năm gần đây, Triều Tiên đã bắt đầu quan tâm tới chương trình làm giàu urainum. Do đó, Triều Tiên dường như không có nhiều kinh nghiệm để chỉ dẫn cho Iran về các công nghệ và phương pháp làm giàu uranium. Ngoài ra, chương trình làm giàu uranium của Iran và Triều Tiên được thực hiện trên các thế hệ máy ly tâm khác nhau. Đây chính là trở ngại cho mối quan hệ hợp tác hạt nhân giữa hai nước.
Do các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên được cho là thực hiện trên những thiết bị sử dụng nhiên liệu plutonium, những nghi vấn xung quanh việc Bình Nhưỡng trá hình để bí mật thử nghiệm vũ khí hạt nhân cho Iran có thể được loại bỏ.
Về việc một số nhà khoa học Iran xuất hiện trong các cuộc thử nghiệm hạt nhân tại Triều Tiên, giới chuyên gia vẫn chưa thể xác định Iran đã thu được gì sau những chuyến thăm quan này.
Bản báo cáo của CSR nhấn mạnh: "Việc Iran và Triều Tiên thu lời từ mối quan hệ hợp tác hạt nhân là chưa chắc chắn. Mặc dù, một số nhà phân tích cho rằng Bình nhưỡng đã cung cấp số liệu về các vụ thử nghiệm hạt nhân cho Tehran song việc Iran thu được kinh nghiệm gì từ nguồn số liệu trên vẫn chưa được xác định. Trong khi chương trình hạt nhân của Triều Tiên hiện nay dựa trên nguồn nhiên liệu plutonium, Iran lại thường sử dụng nhiên liệu uranium độ làm giàu cao (HEU) cấp độ vũ khí. Ngay cả khi Tehran chấp nhận để Bình Nhưỡng tiếp cận công nghệ làm giàu hạt nhân của Iran, Triều Tiên cũng sẽ thu được rất ít lợi ích bởi thế hệ máy ly tâm của quốc gia cô lập hoàn toàn khác biệt với 2 loại máy mà Iran đang sử dụng".
Thậm chí, CRS cho rằng thay vì hợp tác, Triều Tiên và Iran còn trở thành đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực hạt nhân.
"Thay vì hợp tác, khả năng hai quốc gia này còn cạnh tranh với nhau bằng việc dùng mưu để lé tránh lệnh trừng phạt quốc tế do sử dụng cùng một mạng lưới công nghệ mà điển hình là thông qua các công ty thương mại Trung Quốc. Cả Iran và Triều Tiên cũng không xuất khẩu các linh kiện máy móc cho nhau. Tuy nhiên, các công ty thương mại Trung Quốc vẫn thu lời từ việc duy trì hoạt động kinh doanh với cả hai đối tác là Iran và Triều Tiên", CRS viết.