Triều Tiên tập trận không quân, "sẵn sàng tấn công tàu sân bay Mỹ"
Tên lửa Triều Tiên |
Tuyên bố trên được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa ra mới đây. Theo đó, Tư lệnh Không quân Triều Tiên, tướng Gwan Hyok đã coi việc xem lại các chuyên bay tác chiến là “cuộc thử nghiệm có ý nghĩa quan trọng” trong “tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào, trong đó có các tàu sân bay của kẻ địch, chỉ bằng một đòn tấn công”. Theo tướng Gwan Hyok, các cuộc tập trận của Không quân Triều Tiên “càng thôi thúc toàn bộ Quân đội Triều Tiên hoàn thành cuộc đấu tranh thống nhất đất nước”.
Theo KCNA, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ra rất hài lòng và đã ban hành sắc lệnh tiếp tục củng cố khả năng tác chiến của Không quân Triều Tiên.
Xét về mặt hình thức, Mỹ và Triều Tiên hiện vẫn đang ở trong tình trạng xung đột vì sau cuộc xung đột 1950-1953, giữa hai quốc gia này mới chỉ ký kết hiệp định đình chiến. Sau đó, tất cả các đề nghị của Bình Nhưỡng trong việc ký kết Hiệp định Hòa bình đều bị Mỹ từ chối.
Thời gian gần đây, căng thẳng giữa hai quốc gia này đã gia tăng đáng kể sau khi Triều Tiên tiếp tục tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa và thử hạt nhân. Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử này với lý do là cần phải tự bảo vệ trước các mối đe dọa từ Mỹ, bất chấp bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh cấm vận.
Tên lửa của Triều Tiên |
Mỹ không thể đối phó với mối đe dọa Triều Tiên?
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Giáo sư quân sự Kostantin Sivkov, Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa chính trị của Nga nhận định rằng, tuyên bố của Trợ lý Tổng thống Mỹ Cristofer Ford về việc Mỹ đã sẵn sàng tiến hành đối thoại với Nga về hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Âu cho thấy Mỹ không có đủ khả năng để ngăn chặn các mối đe dọa có thể xuất phát từ các cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên.
Trước đó, ông Cristofer Ford đã tuyên bố rằng việc cần thiết phải loại bỏ các mối đe dọa từ Iran và Triều Tiên có thể sẽ đưa các cuộc thảo luận Mỹ-Nga về vấn đề phòng thủ chống tên lửa đạt được một chất lượng mới.
“Thứ nhất, tuyên bố của ông Ford là một sự thừa nhận thực tế rằng Mỹ không tính đến khả năng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của họ sẽ có thể bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng của các tên lửa đạn đạo Triều Tiên mà Bình Nhưỡng có thể sẽ chế tạo được trong một vài năm nữa”- chuyên gia Sivkov nhận định.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng tuyên bố mới đây về việc thử nghiệm thành công các hệ thống phòng thủ chống tên lửa lắp đặt trên đất liền của Mỹ, trước hết là nhằm trấn an dư luận trong nước. Trong khi đó trên thực tế, khả năng của các hệ thống này trong việc đánh chặn các đòn tấn công tên lửa vẫn còn khoảng cách khá xa so với các tuyên bố được đưa ra.
Ông Sivkov cũng khẳng định rằng Nga đang tiếp tục sử dụng bất cứ khả năng nào để có thể đạt được các bước tiến trong vấn đề phòng thủ chống tên lửa cùng Mỹ nhưng Nga sẽ không tin tưởng Mỹ và không đơn phương thực hiện bất cứ nhượng bộ nào.
Hiện Mỹ đang tích cực triển khai các hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Âu và Hàn Quốc với lý do là để ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa từ Iran và Triều Tiên. Hành động này của Mỹ gây nên sự quan ngại cho Nga và Trung Quốc, các quốc gia coi động thái của Mỹ là đe dọa đến các lực lượng chiến lược của mình và sự ổn định chiến lược trên thế giới.