Triều Tiên sẽ thử nhiều vụ hạt nhân, buộc Mỹ phải để ý
Các quan chức Seoul cho rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân dưới mặt đất sử dụng uranium làm giàu ở mức cao. Trong hai vụ thử hồi năm 2006 và 2009, Triều Tiên sử dụng nguyên liệu plutonium.
Trung tâm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. |
Nhìn chung dư luận đều dự đoán rằng sức công phá của vụ thử hạt nhân sắp tới sẽ lớn hơn những vụ thử cũ do Triều Tiên muốn phô trương năng lực “phòng ngừa hạt nhân” trước cộng đồng quốc tế và nâng cao vị thế của mình trên bàn đàm phán.
“Do các vụ thử trước của Triều Tiên không có tác dụng chính trị lớn và bị Mỹ đánh giá thấp nên có thể Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử lớn hơn rất nhiều”, An Jin-soo, cố vấn cấp cao của Viện giảm trừ và kiểm soát hạt nhân Hàn Quốc, bình luận.
“Bình Nhưỡng có thể tiến hành nhiều vụ thử cùng một lúc giống như Ấn Độ và Pakistan đã làm. Dù Triều Tiên có thử hạt nhân theo cách nào, một vụ thử đơn hay thử nhiều vụ cùng lúc, thì sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế cũng sẽ không có gì khác”, ông nói.
Theo chuyên gia An, trước đây, Triều Tiên không tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân cùng một lúc do kho nguyên liệu plutonium làm giàu của nước này có giới hạn.
Kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết mới lên án vụ thử tên lửa tầm xa hồi tháng 12/2012, Bình Nhưỡng liên tục bóng gió về một vụ thử hạt nhân khác.
Seoul cho rằng Triều Tiên đã hoàn thành các khâu chuẩn bị cho vụ thử dưới mặt đất tại khu vực thử hạt nhân Punggye-ri ở phía đông bắc nước này, nơi hai vụ thử hạt nhân trước đây diễn ra.
“Với mức độ chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân mới, chúng tôi đánh giá rằng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân này vào bất kỳ lúc nào. Do đó, chúng ta có thể có, có thể không phát hiện ra các dấu hiệu của vụ thử (do khi vụ thử diễn ra, có lẽ sẽ không có thay đổi gì lớn ở khu vực thử hạt nhân)”, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát biểu.
Các chuyên gia cho rằng vụ thử mới sẽ tập trung vào tăng cường sức công phá cùng công nghệ nén và làm nhẹ đầu đạn hạt nhân.
Một số chuyên gia về hạt nhân cho rằng trong vụ thử sắp tới, Triều Tiên có thể dùng một thiết bị kích nổ có sức công phá tương đương 15 ngàn tấn TNT, gần bằng quả bom mà Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.
Trong vụ thử hạt nhân năm 2006, sức công phá của quả bom là 1.000 tấn. Do sức công phá thấp, các chuyên gia coi vụ thử này diễn ra thất bại. Tuy nhiên, vụ thử thứ hai diễn ra với sức công phá từ 2.000 tấn tới 6.000 tấn và được coi là “thành công một nửa”.
Xét về nguyên liệu phân hạch, các chuyên gia dự đoán rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ dùng uranium làm giàu ở mức độ cao chứ không dùng plutonium do các lò phản ứng để tạo ra nguyên liệu phân hạch từ plutonium của Triều Tiên đã dừng hoạt động.
“Do Bình Nhưỡng là một quốc gia có lối hành xử rất khó dự đoán nên chúng ta không thể dễ dàng rút ra kết luận. Tuy nhiên, xét tới thực tế là Triều Tiên không sản xuất thêm plutonium và có thể đã bí mật tiến hành làm giàu uranium, có khả năng trong vụ thử tiếp theo Triều Tiên sẽ dùng urannium làm giàu ở mức cao (HEU)”, ông An nói.
Khi các cuộc đàm phán đổi hạt nhân lấy viện trợ diễn ra vào năm 2007 và 2008, Bình Nhưỡng đã tháo dỡ các cơ sở chế tạo plutonium. Sau khi các cuộc đàm phán bị dừng lại vào năm 2008, Triều Tiên được cho là bắt đầu phục hồi lại các cơ sở này.
Theo các quan chức Hàn Quốc, về kho plutonium làm giàu của Triều Tiên, nước này được cho là đã tích lũy được khoảng 40kg plutonium sau khi nước này gia công lại các thanh nhiên liệu đã được sử dụng ít nhất 3 lần vào những năm 2003, 2005 và 2009. Để sản xuất một quả bom hạt nhân, Triều Tiên cần khoảng 6kg plutonium làm giàu.
Về chương trình làm giàu uranium của Triều Tiên, Bình Nhưỡng tuyên bố mỗi năm nước này có khoảng 2.000 máy li tâm có thể sản xuất khoảng 40kg uranium làm giàu ở mức cao. Để chế tạo một quả bom uranium cần phải có hơn 15kg uranium làm giàu.
Hồi tháng 12/2012, Triều Tiên đã phóng thử thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh ra quĩ đạo Trái Đất. |
Để sản xuất đầu đạn hạt nhân có thể gài lên các tên lửa tầm xa, công nghệ nén đầu đạn hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng đối với Triều Tiên.
Kể từ năm 1980, Triều Tiên được cho là đã tiến hành hơn 100 vụ nổ thử nghiệm cấp sức công phá cao cùng như 2 vụ thử hạt nhân và tất cả các vụ thử này đều dần giúp Triều Tiên nâng cao công nghệ nén của mình.
Theo các quan chức Seoul, để đưa một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa, Triều Tiên nên giảm trọng lượng của đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.000kg và giảm đường kính đầu đạn xuống còn 90 cm. Hàn Quốc cho rằng hiện nay đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên vẫn nặng từ 2 – 3 tấn.
Về các quốc gia hạt nhân khác, Hoa Kỳ đã chế tạo đầu đạn hạt nhân nặng khoảng 110kg với sức công phá khoảng 150 nghìn tấn trong khi Nga đã có đầu đạn hạt nhân nặng 255kg cso sức công phá 200 nghìn tấn. Đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc nặng khoảng 600kg và có sức công phá từ 200-500 nghìn tấn.
Các đầu đạn hạt nhân của Mỹ được gài lên đầu tên lửa hành trình còn đầu đạn hạt nhân của các nước khác được lắp lên các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Trong những năm vừa qua, Triều Tiên đã từng bước cải tiến năng lực tên lửa tầm xa giúp mang đầu đạn hạt nhân. Vụ thử thành công tên lửa hồi tháng 12 cho thấy tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tới 10.000km để tấn công tới đất liền của nước Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mới, giới chức Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ thu thập thông tin về sức công phá của vụ thử bằng cách phân tích sóng địa chấn, sóng âm thanh và các chất phóng xạ như xenon và krypton.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng rất khó xác định mức độ cải tiến của công nghệ nén trừ phi được trực tiếp theo dõi vụ thử.