Triều Tiên ra sao trong 100 ngày đầu tiên của Donald Trump?
Theo CNN, ba tháng đã trôi qua, trong khi Trung Quốc vẫn kêu gọi các bên bình tĩnh giữa lúc phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc đưa ra cảnh báo về mộc cuộc chiến tranh hạt nhân “nóng”, còn Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” duy trì lâu nay của Washington đã kết thúc.
Các bên liên quan trong vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không ngừng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, những lời răn đe cứng rắn, song căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không những “dậm chân tại chỗ” mà còn có chiều hướng gia tăng không ngừng suốt 3 tháng qua.
Dưới đây là một số dấu mốc quan trọng trong vấn đề Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức:
Tháng 1
Một ngày trước khi ông Trump đọc lời tuyên thệ tại Điện Capitol, giới chức Triều Tiên đã chuẩn bị một cách chào mừng Tổng thống Mỹ mới của riêng mình. Vào ngày 19/1, các vệ tinh tình báo Hoa Kỳ nhận thấy những dấu hiệu có hoạt động ở nhà máy tên lửa Chamjin, phía tây nam Bình Nhưỡng, với rất nhiều bằng chứng rõ ràng về một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Lãnh đạo Triều Tiê Kim Jong Un tham gia lễ diễu binh hôm 15/4. Nguồn: CNN |
10 ngày sau, ngày 29/1, khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chuẩn bị chuyến công du đầu tiên tới châu Á, có báo cáo cho biết Triều Tiên đang chuẩn bị tái khởi động lò phản ứng plutonium tại cơ sở hạt nhân Yongbyon, theo phân tích từ hình ảnh vệ tinh mới nhất của nhóm 38 North.
Tháng 2
Chính quyền Donald Trump khởi động tháng mới bằng “cuộc dạo chơi” Đông Á của ông Mattis, khi Bộ trưởng Quốc phòng hạ cánh tại căn cứ không quân Osan ngoại ô Seoul hôm 2/2. Vấn đề hàng đầu của chương trình nghị sự là những cách phòng vệ quan trọng của Hàn Quốc chống lại người hàng xóm hiếu chiến của mình, đó là việc triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD.
Ba ngày sau, ngày 5/2, Mỹ và đồng minh Đông Á, Nhật Bản đã ngăn chặn thành công một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung với hệ thống đánh chặn mới được triển khai trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường.
Bình Nhưỡng không mất quá nhiều thời gian để đáp trả. Vào ngày 11/2, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, nước này đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo mới, với cái tên chưa từng được nhắc đến trước đó, Pukguksong-2. Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên dưới thời Tổng thống Trump.
Mọi việc diễn ra sau đó mang hơi hướng của một “bộ phim hình sự” khi vào ngày 14/2, có nhiều thông tin từ tình báo Hàn Quốc khẳng định anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã bị sát hại bằng chất độc thần kinh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia.
Ngay sau đó, trước việc Bình Nhưỡng thử tên lửa cũng như căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên cho đến hết năm. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết quyết định này phù hợp với nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ mà Bắc Kinh đã giúp soạn thảo và thông qua tháng 11 năm ngoái.
Tháng 3
Đây là một tháng cực kỳ “bận rộn” trên bán đảo Triều Tiên. Mọi việc bắt đầu từ ngày 6/3, với việc Bình Nhưỡng phóng một lúc bốn quả tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản (hay còn gọi là biển Hoa Đông) trong một động thái mà Thủ tướng Shinzo Abe miêu tả là “một hành động cực kỳ nguy hiểm”.
Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa trong 100 ngầy đầu nhậm chức của ông Trump. Nguồn: CNN |
Các quả tên lửa, ba trong số đó đã “hạ cánh” trong bán kính 200 dặm thuộc vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. KCNA cho biết, vụ thử lần này là một phần trong cuộc tập trận của đơn vị pháo binh Hwasong nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản.
Đáp lại vụ phóng một loạt tên lửa đó, hệ thống phòng vệ tên lửa THAAD do Mỹ phát triển đã đến Hàn Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khi đó cảnh báo rằng Mỹ và Triều Tiên đang đứng trên bờ vực “đụng độ” khi không bên nào chịu từ bỏ.
Ngày 14/3, Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, đáp trả các vụ thử trước đó của Bình Nhưỡng bằng cách điều các tàu phòng vệ tên lửa công nghệ cao tới khu vực mà Triều Tiên trước đó đã bắn bốn quả tên lửa. Các tàu chiến Aegis bắt đầu tập trận nâng cao năng lực bắn hạ những tên lửa đạn đạo của kẻ thù, theo như tuyên bố từ Hải quân Mỹ.
Động thái này được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt đầu chuyến thăm châu Á đầu tiên, khởi động bằng Nhật Bản vào ngày 15/3.
Năm ngày sau, Bình Nhưỡng một lần nữa khiến tình hình thêm căng thẳng khi thử một động cơ tên lửa, mà theo đó đã cho thấy “những dấu hiệu của sự tiến bộ vượt bậc”. Trong khi đó, trước mối đe dọa từ Triều Tiên, Nhật Bản bắt đầu tiến hành các cuộc diễn tập sơ tán để chuẩn bị cho mọi cuộc tấn công tên lửa mà Bình Nhưỡng có thể thực hiện nhằm vào đất nước mặt trời mọc.
Triều Tiên lại tiến hành một vụ thử tên lửa khác chỉ vào ngày sau vụ thử động cơ, nhưng đã thất bại sau khi tên lửa “bị nổ chỉ vài giây rời bệ phóng”. Và khi tháng 3 gần kết thúc, Bình Nhưỡng một lần nữa quay trở lại thử nghiệm động cơ, công nghệ có thể được sử dụng trong một tên lửa ICBM thực sự.
Trong một động thái khác, Hoa Kỳ tuyên bố thủy quân lục chiến Mỹ đã lần đầu tiên triển khai máy bay F-35B tới Hàn Quốc để tham gia tập trận.
Tháng 4
Tổng thống Trump mở đầu khi vào ngày 2/4 ông tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng đắp trả chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên “một mình” nếu như Trung Quốc không thay đổi được tình hình.
Hai ngày sau, khi chuẩn bị gặp gỡ với người đồng cấp Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình, Triều Tiên lại phóng tiếp ba quả tên lửa về phía bờ biển bán đảo Triều Tiên. Và trong khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đang thưởng thức món “bít-tết cùng bánh socola tráng miệng” tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, ông Trump đã quyết định tấn công tên lửa vào Syria, hành động quân sự lớn nhất từ khi ông làm Tổng thống, đồng thời cũng là một thông điệp trực tiếp gửi tới Bình Nhưỡng.
Triều Tiên "khoe" nhiều loại vũ khí mới trong lễ diễu binh. Nguồn: CNN |
Ngay sau đó, Triều Tiên tuyên bố đáp trả mạnh mẽ việc Hoa Kỳ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay, gồm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới khu vực này ngày 10/4. Bình Nhưỡng cho biết sẽ đáp trả “những hành động gây chiến có chủ đích” với “bất kỳ phương thức nào mà Mỹ muốn”.
Một vài ngày sau đó, nhóm quan sát 38 North cho biết cơ sở hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã “sẵn sàng” cho vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Cũng trong ngày 13/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho hay Tokyo có khả năng phóng tên lửa mang theo chất độc thần kinh sarin.
Trong khi đó, Mỹ lại tiếp tục thực hiện một hành động quân sự khác, khi thả GBU-43/B, “mẹ của các loại bom”, vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất của Hoa Kỳ, xuống một căn cứ của IS ở Afghanistan, lần đầu tiên kể từ khi loại bom này được sản xuất.
Hai ngày sau, tại lễ diễu binh ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã cho cả thế giới thấy một loạt tên lửa cùng bệ phóng mới. Một phần trong đó là hai loại vũ khí có kích thước tương tự tên lửa ICBM mới cũng như tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm và phiên bản phóng từ đất liên cũng lần đầu tiên xuất hiện.
Ngày hôm sau, 16/4, một vụ thử tên lửa khác của Triều Tiên đã thất bại. Sau vụ việc này, Phó Tổng thống Mike Pence trong chuyến thăm tới khu biên giới DMZ Hàn Quốc – Triều Tiên hôm 17/4 đã cảnh báo Bình Nhưỡng không nên “thử sức mạnh của các lực lượng quân sự Mỹ”.
Sau khi thông tin về việc tàu sân bay USS Carl Vinson còn cách xa bán đảo Triều Tiên được lan truyền, Mỹ đã “đính chính” rằng nhóm tác chiến này sẽ tới vào cuối tháng 4. Hôm 18/4, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ tiến hành hai cuộc thử nghiệm khả năng bắn hạ tên lửa từ Triều Tiên trong tháng 5.
Ngày 19/4, Hội đồng Bảo an LHQ cố gắng giải quyết vấn đề thử nghiệm tên lửa Triều Tiên mới nhất của Triều Tiên bằng cách bỏ phiếu thông qua nghị quyết phản đối, song Nga đã dùng quyền phủ quyết hành động này.
Cùng ngày, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho hay Bắc Kinh “cực kỳ lo ngại” về các hoạt động tên lửa và hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng, đồng thời khen ngợi những tuyên bố của Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
Ngày 20/4, Hội đồng Bảo an LHQ chính thức lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, yêu cầu nước này “ngay lập tức” dừng các hành động vi phạm nghị quyết của hội đồng.
Và trong ngày gần cuối của tháng 4, 29/4 cũng là mốc đánh dấu 100 ngày nhậm chức của Tổng thống Trump, Triều Tiên một lần nữa thử tên lửa đạn đạo tầm trung về phía biển Nhật Bản. Tuy thất bại liên tiếp, song những hành động gây hấn không ngừng, bất kể sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, bất chấp mọi nghị quyết LHQ của Bình Nhưỡng chỉ là dấu hiệu cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”.