Triều Tiên phong tỏa thủ đô vì bệnh hô hấp
Theo hãng tin Reuters, thông báo được Đại sứ quán Nga tái chia sẻ trên Facebook cho hay, "một giai đoạn chống dịch đặc biệt đã được thiết lập" và chính quyền Bình Nhưỡng kêu gọi các phái đoàn nước ngoài yêu cầu nhân viên chỉ ở trong khu vực của mình. Lệnh này cũng kêu gọi các cá nhân đo nhiệt độ cơ thể bốn lần một ngày và báo cáo kết quả cho bệnh viện bằng điện thoại.
Thông báo trên không đề cập tới bệnh Covid-19, dù cho biết các trường hợp mắc cúm tái phát vào mùa đông và các bệnh về đường hô hấp khác gia tăng.
Cũng theo tờ NK News, hồi đầu tuần này, cư dân Bình Nhưỡng dường như đã tích trữ hàng hóa để đề phòng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng. Hiện chưa rõ các khu vực khác ở Triều Tiên có áp dụng lệnh phong tỏa không.
Triều Tiên xác nhận đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên vào năm ngoái và tới tháng 8/2022 tuyên bố đã chiến thắng virus corona. Nước này chưa bao giờ xác nhận có bao nhiêu người mắc Covid-19, mà thay vào đó thông báo về số người bị sốt hàng ngày. Số người bị sốt từng tăng tới 4,77 triệu người trong tổng số dân gồm 25 triệu người.
Kể từ 29/7/2022, Triều Tiên không thông tin về ca sốt nào nữa mặc dù truyền thông nước này tiếp tục đưa tin về các biện pháp phòng dịch nhằm chống lại các bệnh về đường hô hấp, gồm cả bệnh cúm.
Ngày 23/1, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên cho biết, thành phố Kaesong, gần biên giới với Hàn Quốc, đã tăng cường các chiến dịch truyền thông công cộng để tất cả người dân tự giác tuân thủ các quy định chống dịch trong công việc lẫn cuộc sống của họ.
Sau khi có tin phong tỏa thủ đô Bình Nhưỡng, hôm qua (25/1), tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của chính quyền Triều Tiên cho biết, nước này đang thực hiện các nỗ lực chống virus toàn diện. Tờ báo này nhấn mạnh việc cần thiết phải ưu tiên tăng cường các nỗ lực kiểm dịch, kêu gọi người dân tiếp tục chiến đấu chống dịch bệnh với tinh thần cảnh giác cao độ.
Hoài Linh