Triều Tiên phóng tên lửa: Quá bất ngờ!
Vụ phóng tên lửa được Triều Tiên dự định thực hiện nhằm tưởng niệm giỗ đầu cố Chủ tịch Kim Jong-il, người đã qua đời ngày 17/12 năm ngoái. Quá trình chuẩn bị và mọi hoạt động của Triều Tiên từ lúc công bố sẽ thực hiện vụ phóng tên lửa được thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản theo dõi sát sao.
Các nước được cho là có ảnh hưởng trực tiếp từ vụ phóng tên lửa bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản và Mỹ đã phản đối chương trình không gian của Triều Tiên mà họ vẫn cho là một cuộc thử tên lửa hạt nhân. Trong khi đó, nước đồng minh của Triều Tiên là Trung Quốc cũng tỏ ra “quan ngại sâu sắc” với vụ phóng tên lửa này. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn âm thầm chuẩn bị trong sự theo dõi sát sao của cộng đồng thế giới.
Trong suốt tuần qua, những động thái “có vẻ như” sẽ dừng vụ phóng tên lửa do “một số lỗi kỹ thuật” của Triều Tiên được báo chí thế giới đưa tin rầm rộ. Những phỏng đoán liên tục được đưa ra và có niềm tin cho rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục thất bại một lần nữa như vụ phóng tên lửa hồi tháng Tư vừa qua. Các nhà quan sát cho rằng Triều Tiên sẽ tạm hoãn chương trình không gian này của mình ít nhất cho tới ngày 29/12 năm nay. Cách đây vài ngày, các chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh của Mỹ còn cho rằng Triều Tiên đã cho dỡ toàn bộ tên lửa ra khỏi bệ phóng để kiểm tra những “trục trặc kỹ thuật”.
Mọi phỏng đoán bị “đổ bể” khi Triều Tiên bất ngờ tiến hành vụ phóng tên lửa vào 0h15 (giờ GMT, tức 7h15 phút giờ Hà Nội) sáng nay. Đài truyền hình Nhật Bản NHK cho biết phần tên lửa trong giai đoạn 2 đã rơi xuống ở khu vực biển ngoài khơi Phillipines đúng như kế hoạch đã đề ra.
Cả thế giới đều ngỡ ngàng với hành động âm thầm này của Triều Tiên. Các hội đồng an ninh cao cấp của Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành họp khẩn cấp ngay sau khi nhận được tin tên lửa của Triều Tiên đã được phóng lên quỹ đạo thành công.
Osamu Fujimura, phát ngôn viên của Chính phủ Nhật Bản cho biết Nhật sẽ không tha thứ cho vụ phóng tên lửa, “Thực sự rất đáng tiếc khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa bất chấp lời kêu gọi hành động kiềm chế của chúng tôi. Nhật Bản không thể tha thứ cho hành động này. Chúng tôi cực lực phản đối Triều Tiên”.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Lee Myung-bak ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn cấp sau khi nhận được tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Ở Phillipines, các cơ quan an ninh đã đưa ra lời cảnh báo ngư dân nước này nhanh chóng tránh khỏi vùng biển phía bắc Luzon để tránh các mảnh vỡ tên lửa của Bình Nhưỡng có thể rơi xuống.
Bộ Ngoại giao Anh lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa và cho biết sẽ triệu tập đại sứ Triều Tiên tại London để phản đối việc làm của Bình Nhưỡng.
Mỹ chưa có bất cứ phản ứng nào đối với thông tin này mà chỉ thông báo đã “nhận được tin” và “đang xử lý tình huống”. Hôm qua, Ros Lehtinen, lãnh đạo một ủy ban trong Quốc hội Mỹ đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, "Chúng ta phải củng cố các biện pháp trừng phạt chống lại thái độ của Bình Nhưỡng và làm việc chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh Châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hợp tác ngoại giao, quốc phòng để chống lại sự đe dọa đến từ Triều Tiên". Hiện tại, các nhà khoa học Mỹ vẫn chưa công nhận sự thành công của vụ phóng tên lửa.
Đến nay, ngoài các nước có liên quan đến vụ phóng tên lửa thì chưa có phản ứng cụ thể nào đối với vụ việc này. Vào hôm qua, Liên minh Châu Âu đã nhóm họp và cho rằng hành động của Triều Tiên là “khiêu khích” với cộng đồng thế giới, vi phạm Nghị quyết của Liên Hợp Quốc và đòi hỏi quốc tế phải đáp trả thích đáng đối với Triều Tiên. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra đề nghị tăng mức trừng phạt đối với Triều Tiên trong trường hợp nước này thực hiện vụ phóng tên lửa tương đương với mức trừng phạt hiện đang áp dụng cho Iran, trong đó bao gồm việc tăng danh sách các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân bị phong tỏa tài sản.